Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nha Trang: Hành trình trở thành đô thị văn minh và phát triển bền vững
Nhật Huy - 14/06/2019 15:55
 
Tỉnh Khánh Hòa quyết định chọn Nha Trang là địa phương thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh và phát triển bền vững.
Nha Trang được đánh giá là đô thị biển phát triển mạnh nhất hiện nay tại miền Trung. Ảnh: Việt Hương
Nha Trang được đánh giá là đô thị biển phát triển mạnh nhất hiện nay tại miền Trung. Ảnh: Việt Hương

Những bước chuyển mình đầy ấn tượng

Nha Trang là thành phố có tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Do đó, cách thức xây dựng và quản lý đô thị theo cách truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị phải tìm kiếm những chiến lược, giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai. Khánh Hòa đã quyết định lựa chọn Nha Trang là địa phương thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh.

Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh khá phức tạp, bởi khi thực hiện sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn phát sinh, quá trình triển khai cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực của Thành phố. Do vậy, UBND tỉnh xác định triển khai thí điểm trên một số lĩnh vực trọng tâm, với định hướng theo mô hình “thành phố thông minh”. Đó là ưu tiên thực hiện trên các lĩnh vực: phát triển du lịch; quy hoạch xây dựng - giao thông - đô thị và xử lý các vấn đề trong phát triển đô thị (ngầm hóa, giao thông, môi trường, xử lý rác và nước thải...); xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng thành phố an toàn; giáo dục thông minh.

Lĩnh vực du lịch đã và đang là một thế mạnh của TP. Nha Trang, đóng góp lớn vào sự phát triển của Thành phố và của tỉnh. Tỉnh và thành phố này chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút du khách và gia tăng giá trị kinh tế từ hoạt động du lịch. Quy hoạch xây dựng - giao thông - đô thị đang hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cung cấp thông tin một cách công khai, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hơn 40 năm trước, từ năm 1977, Chính phủ có quyết định nâng thị xã Nha Trang lên thành phố trực thuộc tỉnh lỵ Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa), đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của TP. Nha Trang hôm nay. Đó chính là bước đột phá trong công cuộc đổi mới, tăng tốc chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những thành tựu quan trọng”.

Nhấn mạnh thành quả trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, những năm qua, Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu tổng quát là “đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo cơ cấu “du lịch - dịch vụ - công nghiệp”. Qua đó, TP. Nha Trang đã nhanh chóng nắm bắt cơ chế quản lý kinh tế, vận dụng sáng tạo và có bước điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể để phát huy các thế mạnh của Thành phố.

Nha Trang đã đi đầu trong việc đẩy mạnh và phát triển kinh tế. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư phát triển các ngành kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng ở trung tâm thành phố và vùng nông thôn ngoại thành. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của Thành phố đã liên tục tăng trưởng cao; cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa được tăng cường, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch, là địa phương duy nhất tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho tỉnh. Thành phố cũng đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa - xã hội. Sự nghiệp y tế, giáo dục - đào tạo có những tiến bộ đáng mừng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định; bộ mặt thành thị, nông thôn, hải đảo của Thành phố có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Ông Tuấn nhìn nhận: “Bên cạnh những thành tích đáng phấn khởi, Nha Trang vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, xây dựng TP. Nha Trang trở thành đô thị văn minh, hiện đại, chuyên tổ chức các sự kiện tầm quốc gia và quốc tế là mục tiêu mà địa phương đang hướng đến... Những gì TP. Nha Trang đã, đang và sẽ thực hiện đều hướng đến một thành phố văn minh, thịnh vượng, thân thiện - một thành phố hấp dẫn và có chất lượng sống tốt”.

Hành trình đến đô thị văn minh

Lộ trình xây dựng Đề án thí điểm TP. Nha Trang theo mô hình thành phố thông minh đã được xác định. Theo đó, giai đoạn I (đến hết tháng 1/2018): tư vấn xây dựng nội dung đề xuất khái niệm, ý tưởng và mô hình cho Đề án; thực hiện nội dung lập hồ sơ, thủ tục gửi Cơ quan Phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA) xem xét, hỗ trợ nguồn vốn triển khai Đề án. Giai đoạn II (tháng 6/2018): thực hiện xây dựng Đề án thí điểm TP. Nha Trang theo mô hình thành phố thông minh và lộ trình triển khai tổng thể.

Việc xây dựng thành phố thông minh sẽ thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện trong một tổng thể thống nhất, lấy “chính quyền điện tử” làm trung tâm. Tất cả sẽ cùng hướng đến mục đích xây dựng TP. Nha Trang văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Những gì TP. Nha Trang đã, đang và sẽ thực hiện đều hướng đến một thành phố văn minh, thịnh vượng, thân thiện - một thành phố hấp dẫn và có chất lượng sống tốt.

Cuối năm 2018, tại TP. Nha Trang đã diễn ra Hội thảo “Nhiệm vụ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ TP. Nha Trang”. Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Sau 5 năm triển khai thực hiện quy hoạch, TP. Nha Trang đã đạt được nhiều thành quả với tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội ở mức cao. Tuy nhiên, quy hoạch chung sau 5 năm đã có nhiều bất cập theo định hướng phát triển đô thị và kinh tế - xã hội mới.

Bên cạnh đó, đã có nhiều biến động từ các dự án phát triển hạ tầng trọng yếu của quốc gia. Sự chuẩn bị hình thành đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong đã tạo ra động lực cũng như yêu cầu phát triển mới cho TP. Nha Trang. Ngoài ra, sự phát triển nội tại của TP. Nha Trang đã vượt ngoài dự kiến của quy hoạch chung năm 2012. Trong quá trình phát triển đô thị, sân bay Nha Trang đã được lập quy hoạch và kết nối hạ tầng giao thông với các khu vực xung quanh, tạo cơ hội tái thiết nhiều khu đất chuyển sang khai thác cho công trình thương mại - dịch vụ.

TP. Nha Trang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, đồng thời là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển của trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nơi đây cũng sở hữu tài nguyên thiên nhiên về du lịch đa dạng hàng đầu trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là địa phương sở hữu một dải ven biển có tới 4 vịnh lớn là Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang và Cam Ranh, trong đó vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.

Tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị toàn tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2025, trong đó, TP. Nha Trang là hạt nhân phát triển; xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm quốc tế.

4 lý do giúp Thừa Thiên Huế đoạt giải “ thành phố thông minh sáng tạo châu Á”
Thừa Thiên Huế vừa được Ban tổ chức Telecom Asia Awards 2019 trao giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” với mô hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư