Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
4 lý do giúp Thừa Thiên Huế đoạt giải “ thành phố thông minh sáng tạo châu Á”
Thu Hương - 28/05/2019 11:32
 
Thừa Thiên Huế vừa được Ban tổ chức Telecom Asia Awards 2019 trao giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh. Vì sao một tỉnh không có tiềm lực kinh tế mạnh lại làm được điều đó?

Khi thông tin về việc Thừa Thiên Huế được giải thưởng châu Á về đô thị thông minh, sáng tạo được công bố, không ít người tỏ ra bất ngờ. Nguyên nhân là Thừa Thiên Huế vốn không phải là một đô thị lớn, với tiềm lực tài chính mạnh. Bên cạnh đó trước đó, Thừa Thiên Huế cũng không phải là đô thị nổi bật về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành.

Đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế được thiết kế dựa trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế được thiết kế dựa trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thế nhưng, Thừa Thiên Huế chính là một điển hình của kỷ nguyên 4.0 khi mà “tương lai không phải nằm trên con đường kéo dài của quá khứ”. Theo phân tích của các chuyên gia, việc Thừa Thiên Huế thành công với mô hình đô thị thông minh bắt nguồn từ 5 lý do sau.

Thứ nhất, đó là sự quyết tâm, sát sao và kiến thức của lãnh đạo tỉnh. Đây là điều kiện tiên quyết cho mọi dự án và đối với đô thị thông minh thì lại càng quan trọng hơn bởi hầu hết mọi người đều chỉ hình dung chứ chưa thấy được tác dụng thực tế.

Tại Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh là người trực tiếp chỉ đạo, đồng thời cũng là người am hiểu về các ứng dụng CNTT. Ông Thọ thường xuyên sử dụng CNTT như một công cụ cho việc theo dõi, giám sát và thậm chí đặt ra bài toán để phải giải bằng CNTT mới làm được. Việc một lãnh đạo vừa sát sao và am hiểu là nhân tố đặc biệt quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ với một dự án 4.0 như đô thị thông minh.

Bản thân vị Chủ tịch tỉnh này thì bật mí, kết quả của việc xây dựng đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế không phải tự nhiên có trong thời gian gần đây. Đó là kết quả của việc đúc rút kinh nghiệm từ 10 năm thực hiện chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Kết quả của việc xây dựng đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế là thành quả của việc đúc rút kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Kết quả của việc xây dựng đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế là thành quả của việc đúc rút kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ thêm về quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, ông Thọ nói: “Trong việc xây dựng chính quyền điện tử, ở Thừa Thiên Huế, người đứng đầu trải qua các nhiệm kỳ đều phải là người gương mẫu, tiên phong. Tất cả lãnh đạo đều thống nhất và quyết tâm thì việc thực hiện sẽ thuận lợi. Và kết quả dần tích luỹ để có ngày hôm nay. Thừa Thiên Huế không có nó trong ngày một ngày hai”.

Thứ hai, nếu như tại nhiều nơi khác, việc tập trung vào các yếu tố kỹ thuật được đặt lên hàng đầu thì tại Thừa Thiên Huế, vấn đề được quan tâm trước là mô hình quản lý. Mô hình này lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để thiết kế mọi hoạt động.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, mô hình quản lý của chính quyền quan trọng vô cùng và các giải pháp công nghệ thông tin là ứng dụng phục vụ cho quả trình quản lý thôi. Sai lầm trước kia là chúng ta cứ trọng về kỹ thuật, áp dụng một cái mà không thể nào khả thi cho chính quyền của mình được”.

Và Thừa Thiên Huế đã chọn việc tạo ra một mô hình quản lý tốt trước để chuẩn hoá các dịch vụ công, sau đó mới tìm đơn vị có năng lực về công nghệ thông tin để giúp giải bài toán. “Không thể mua môt mô hình của nước ngoài trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không dùng được với đặc điểm của tỉnh mình”, ông Thọ khẳng định.

Thừa Thiên Huế phát triển đô thị thông minh nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử của một cố đô.
Thừa Thiên Huế phát triển đô thị thông minh nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử của một cố đô.

Thứ tư, ở Thừa Thiên Huế, cơ quan điều phối, thực hiện dự án có kế hoạch và “tác chiến” xuất sắc, đảm bảo cho dự án được đẩy nhanh, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành tại tỉnh luôn thông suốt. Dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế được thực hiện trong 90 ngày với đối tác là Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, được coi là một thời gian thực hiện khó tin với một dự án khó và phức tạp như vậy.

Tại Huế, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế được giao nhiệm vụ xâu chuỗi đầu mối, được Chủ tịch ủy quyền các nhiệm vụ nhằm đảm bảo đề án thực hiện thành công.

Ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết: “Việc chuẩn bị cho thành phố thông minh không phải đến lúc đặt vấn đề với các đối tác mới có, mà có từ thời điểm xây dựng đề án. Song song với đó là lập kế hoạch ngay, nên khi khởi công rồi thì các công đoạn dự kiến được thực hiện rất thuận lợi”.

Vị lãnh đạo này cũng tiết lộ thêm, việc thực hiện thuận lợi, nhanh cũng bắt nguồn từ chọn lĩnh vực để “thông minh hoá” giai đoạn đầu tiên. Lĩnh vực được lựa chọn phải phù hợp với thực tiễn địa phương cũng như thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, lĩnh vực liên quan đến ngành nào thì phải đánh giá mức độ sẵn sàng của ngành đó để tính cách phối hợp thực hiện cho chuẩn.

Thứ tư, Thừa Thiên Huế đã lựa chọn được một đối tác công nghệ tốt để thực hiện ý tưởng và giải bài toán của mình. Đó là Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Chia sẻ về đối tác thực hiện dự án đô thị thông minh, giúp Thừa Thiên Huế đoạt giải sáng tạo châu Á, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế là mô hình đáp ứng được yêu cầu của một địa phương có quy mô kinh tế không lớn, có đặc thù về lịch sử di sản văn hóa. Từ nhu cầu quản lý, chúng tôi đưa ra bài toán và Viettel có chuyên gia tốt để nghiên cứu, rồi đưa ra giải pháp công nghệ, kỹ thuật với mô hình Trung tâm điều hành thông minh phù hợp”.

Vị Chủ tịch yêu thích dùng công nghệ để giải các bài toán quản lý nói thêm: “Từ dự án này, chúng tôi thấy rằng, không cần phải là một đô thị với quy mô kinh tế quá lớn, không cần phải là một dự án quá đồ sộ, chỉ với khả năng tài chính vừa phải như Thừa Thiên Huế thì vẫn có thể xây dựng một mô hình Trung tâm điều hành thông minh hiệu quả trong vận hành cũng như phục vụ người dân”.

Còn đại diện cho đơn vị trực tiếp giám sát và điều phối dự án – ông Lê Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao Viettel trong việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, Viettel có quan điểm về thể hiện trách nhiệm khá rõ, quan điểm này cũng song hành với hành động”.

Đặc biệt, vị Phó Giám đốc Sở còn nhận xét về một yếu tố không liên quan đến chuyên môn của đối tác: “Một điểm nữa chúng tôi cũng đánh giá cao Viettel là thật thà (cười). Nếu có điểm gì còn chưa tốt, các vấn đề tồn đọng thì phía Viettel cũng nói thẳng thắn, không giấu diếm để cùng giải quyết”.

Thừa nhận việc sẽ gặp sức ép trong việc triển khai tiếp các giai đoạn sau của dự án, nhưng ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thuận lợi sẽ lớn hơn nhiều.

Lãnh đạo này khẳng định: “Người dân sẽ rất có niềm tin khi ứng dụng của chúng tôi được quốc tế công nhận. Chính quyền các cấp, các đơn vị quản lý sẽ có động lực hơn vì phải giữ vững danh hiệu, để tiếp tục nâng cao. Ở đây, đối tác của chúng tôi là Viettel cũng sẽ phải tập trung hơn nữa, triển khai ứng dụng tốt hơn để cùng chúng tôi giữ vững điều đó”.

Đà Nẵng công bố Đề án xây dựng thành phố thông minh
Theo Đề án xây dựng thành phố thông minh được công bố sáng 10/4, Đà Nẵng sẽ chia làm 3 giai đoạn phát triển với chi phí đầu tư khoảng 2.100 tỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư