Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
“Nhắm mắt” làm theo chỉ đạo, cán bộ ngân hàng dễ... vào tù
 
Thẩm định trên giấy, giải ngân dễ dãi, “nhắm mắt” giải ngân theo chỉ đạo khiến cán bộ ngân hàng rất dễ vướng vào vòng lao lý.
Khâu thẩm định hồ sơ, định giá tài sản bảo đảm nếu không chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến nợ xấu, trục lợi
Khâu thẩm định hồ sơ, định giá tài sản bảo đảm nếu không chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến nợ xấu, trục lợi

Vi phạm quy định cho vay

Nhiều vụ án trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy “quả bóng” trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ khâu thẩm định hồ sơ, định giá tài sản bảo đảm.

Vụ án 7 doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau lập khống hồ sơ để được vay vốn ưu đãi, chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới là một bài học điển hình cho câu chuyện trên. 8 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng (gồm giám đốc chi nhánh, phó giám đốc, trưởng phòng, cán bộ tín dụng) lần lượt vướng vòng lao lý với tội danh vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Lời khai của cán bộ tín dụng thể hiện việc thẩm định chỉ dựa trên hồ sơ khách hàng cung cấp mà không kiểm tra, đối chiếu thực tế. Mức cho vay do lãnh đạo chi nhánh là Trịnh Tuấn Mẫn (nguyên giám đốc) giao theo bảng kê phân bổ hạn mức tín dụng hàng quý. Cán bộ tín dụng không được thẩm định nhu cầu vốn của doanh nghiệp để đề xuất mức vốn cho vay. Thời điểm chi nhánh giải ngân ồ ạt (từ tháng 7/2009 đến năm 2011), cán bộ tín dụng dù biết rõ hiện trạng của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhưng vẫn đề nghị cho vay.

Hàng loạt sai phạm đã được kể đến trong cáo trạng như không đánh giá năng lực tài chính dẫn đến doanh nghiệp đưa các hợp đồng xuất khẩu được lập, ký khống hàng xuất khẩu hoặc có giá trị tiền hàng hóa xuất khẩu thực tế ít hơn giá trị hàng hóa xuất khẩu trong hồ sơ vay vốn.

Đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn nhưng các doanh nghiệp không thực hiện. Các cán bộ ngân hàng biết nhưng vẫn “nhắm mắt” cho vay.

Cơ quan tố tụng còn chỉ ra rằng, nhóm cán bộ ngân hàng không kiểm tra chặt chẽ việc thu mua nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp. Do đó, không phát hiện việc doanh nghiệp lập, nâng khống giá trị tiền hàng tại các bảng kê thu mua nguyên liệu lên nhiều lần nhằm hợp thức hóa việc sử dụng nguồn vốn vay.

Ngoài ra, khâu giải ngân không đúng với thực tế thu mua của doanh nghiệp, không giải ngân ngân hoặc giải ngân rất ít vào tài khoản của các doanh nghiệp thụ hưởng theo quy định. Đặc biệt, chi nhánh lơ là trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý vốn vay sau giải ngân.

Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nhận xét, các bị can thực hiện kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay mang tính hình thức, không chặt chẽ và đầy đủ. Các sai phạm diễn ra nhiều năm tại nhiều doanh nghiệp. Hậu quả là 7 doanh nghiệp thủy sản đã lợi dụng, gian dối lập hồ sơ vay vốn, dùng tiền vay đảo nợ và đút túi cá nhân, dẫn đến mất khả năng thanh toán. 

Có phải thuần túy vì lợi lộc?

Các cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý thường do hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Vì sao các cán bộ ngân hàng chấp nhận đánh đổi cho những hành vi sai trái?

Lời khai tại cơ quan điều tra của nguyên Giám đốc Chi nhánh VDB Minh Hải, bị can Trịnh Tuấn Mẫn là một giải đáp. Mẫn giãi bày: “Bị can biết việc cho vay là trái quy định nhưng để bảo đảm chi nhánh không phát sinh nợ quá hạn nên tiếp tục duyệt và giải ngân cho các doanh nghiệp vay”.

Một số người khác cho biết làm theo chỉ đạo. Đơn cử, trong đại án một ngân hàng diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2015, bị cáo Trương Thị Út (nguyên Phó trưởng phòng Tín dụng ngân hàng này) khai nhận thực hiện giải ngân cho CTCP Enzo Việt vay 50 triệu USD do Giám đốc Chi nhánh chỉ đạo

“Bị cáo không đồng ý giải ngân vì kiểm tra hồ sơ thấy thiếu báo cáo thẩm định và nhiều hồ sơ. Giám đốc nhắn vào điện thoại bị cáo: “Cứ cho nhận nợ, em chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Theo Nghị quyết của Ngân hàng, Giám đốc đã chỉ đạo thì nhân viên phải thực hiện”, Trương Thị Út nói.

Một cán bộ tín dụng khác nghẹn ngào: “Bị cáo thừa nhận mình có một phần trách nhiệm trong việc để ngân hàng mất tiền vì nghiệp vụ non kém. Bị cáo lại cả nể, làm việc có lề lối nhưng vẫn phải tuân thủ chỉ đạo của giám đốc. Bị cáo nhận 600 triệu đồng và gia đình đã nộp khắc phục”.

Thực tế cho thấy, rủi ro pháp lý luôn bủa vây cán bộ ngân hàng nếu không tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật. Trường hợp thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo, khi thiệt hại xảy ra, họ cũng không tránh được trách nhiệm hình sự liên can.    

Nhân viên ngân hàng nghỉ việc dưới áp lực khủng khiếp
Môi trường trọng dụng "con cháu", "quan hệ gửi gắm", áp lực doanh số khủng khiếp, những vụ án phanh phui liên quan cho vay ngày càng nhiều, nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư