Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Nhận diện hệ thống đô thị Quảng Ngãi trong tương lai
Ngọc Tân - 24/12/2023 12:15
 
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hạ tầng, tăng cường quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư nhằm từng bước nâng cấp hệ thông đô thị.
Hệ thống đô thị Quảng Ngãi sẽ được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển
Hệ thống đô thị Quảng Ngãi sẽ được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển

Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp

Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 13 đô thị, gồm 1 đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại II (TP. Quảng Ngãi), 1 đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV (thị xã Đức Phổ); và 11 đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ngãi phát triển tương đối sôi động dọc theo trục Bắc - Nam. Cụm đô thị động lực tập trung ở khu vực trung tâm tỉnh xung quanh động lực chính là TP. Quảng Ngãi, bắt đầu từ phía Bắc với điểm đầu là thị trấn Châu Ổ, khu đô thị Vạn Tường, qua TP. Quảng Ngãi ở vị trí trung tâm, kéo dài xuống phía Nam từ La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và kết thúc tại Sa Huỳnh.

Cơ cấu và tính chất các đô thị của Quảng Ngãi cơ bản ổn định. TP. Quảng Ngãi là thủ phủ của tỉnh; khu vực Châu Ổ - khu đô thị Vạn Tường đóng vai trò là trung tâm phía Bắc; thị xã Đức Phổ là trung tâm phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Ở khu vực miền núi, thị trấn Di Lăng đóng vai trò trung tâm phía Tây, là huyện lỵ của huyện Sơn Hà; còn huyện đảo Lý Sơn là cửa ngõ ra biển Đông của Quảng Ngãi. Các thị trấn còn lại đều ở vị trí trung tâm các huyện.

Do đặc điểm địa hình và vị trí địa lý, hầu hết các đô thị đều nằm trên các trục giao thông thuận lợi có tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Định hướng phát triển các đô thị của tỉnh Quảng Ngãi
- TP. Quảng Ngãi là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội và khoa học - kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi; là đô thị ven sông, hướng biển - một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc dải đô thị ven biển miền Trung Việt Nam.
- Thị xã Bình Sơn là đô thị công nghiệp - thương mại dịch vụ - du lịch, đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh.
- Thị xã Đức Phổ là đô thị sinh thái, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng phía Nam tỉnh Quảng Ngãi; là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.
- Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi hiện đạt 37%. Con số này còn khiêm tốn so với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, gần đây, tốc độ phát triển đô thị của Quảng Ngãi có xu hướng sôi động hơn.

“Bên cạnh TP. Quảng Ngãi, những năm gần đây, KKT Dung Quất cũng nổi lên là một trong những điểm sáng khi tập trung được sự phát triển mạnh mẽ, góp phần hình thành động lực phát triển đô thị cũng như đóng góp vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo bộ mặt đô thị công nghiệp - dịch vụ với hạ tầng hiện đại, quy mô lớn của tỉnh Quảng Ngãi”, ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi chia sẻ.

Nâng cấp hệ thống đô thị hiện hữu

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/11/2023, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm huyện lỵ và các đô thị động lực gắn với trọng điểm kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đến năm 2025, hệ thống đô thị của Quảng Ngãi sẽ bao gồm 1 đô thị loại II (TP. Quảng Ngãi); 2 đô thị loại IV (thị xã Bình Sơn, thị xã Đức Phổ); 1 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV (thị trấn Di Lăng mở rộng); và 11 đô thị loại V.

Giai đoạn 2026 - 2030, TP. Quảng Ngãi sẽ được nâng cấp hạ tầng và đạt một số tiêu chí đô thị loại I. Các đô thị hiện hữu như thị xã Bình Sơn, thị xã Đức Phổ, đặc biệt là các đô thị loại IV đạt tiêu chí đô thị loại III sẽ tiếp tục được nâng cấp hạ tầng, hướng đến phát triển đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dần hình thành các đô thị đặc trưng khu vực miền Trung, đô thị biển đảo…

Đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ có 18 đô thị, gồm 1 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I (TP. Quảng Ngãi); 2 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III (thị xã Bình Sơn và thị xã Đức Phổ); 1 đô thị loại IV (huyện Lý Sơn); 14 đô thị loại V.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mục tiêu tổng quát của hệ thống quy hoạch đô thị Quảng Ngãi là phù hợp với phương án phát triển không gian kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó, các đô thị trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng, của huyện; phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững.

“Để thực hiện các định hướng về phát triển không gian đô thị, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và các khu chức năng, phát triển các khu đô thị động lực... Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị, đặc biệt là các khu - cụm công nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, môi trường, hạ tầng. Nâng cao năng lực quản lý trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển các khu đô thị động lực theo quy hoạch. Khai thác quỹ đất đô thị hiệu quả đảm bảo nguồn lực và nguồn vốn đầu tư...”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.

Tìm nhà đầu tư cho dự án khu dân cư trăm tỷ đồng ở miền núi Quảng Ngãi
Quảng Ngãi vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời tìm nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư phía Đông bờ kè suối Tài Năng, thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư