Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhân tố đáng gờm trên thị trường tài chính tiêu dùng
Hà Tâm - 16/04/2020 20:33
 
Tín dụng tiêu dùng vẫn là phân khúc sinh lời tốt nhất cho các nhà băng hiện nay. Trong đó, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB (SHBFC), với sự tham gia của đối tác ngoại, sẽ là nhân tố mới khiến thị trường ngày càng sôi động và cạnh tranh hơn.
.
Ngân hàng SHB đã công bố kế hoạch bán bớt vốn khỏi Công ty Tài chính tiêu dùng SHB (SHBFC) cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

Nhân tố mới

Mới đây, Ngân hàng SHB đã công bố kế hoạch bán bớt vốn khỏi Công ty Tài chính tiêu dùng SHB (SHBFC) cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài. Tỷ lệ bán chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng, SHB vẫn nắm phần lớn vốn tại công ty này.

Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm, SHBFC đã đạt tổng tài sản gần 3.300 tỷ đồng, tăng gấp 2,75 lần so với năm 2018. Trong đó, dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2018. Lợi nhuận của Công ty sau gần 2 năm hoạt động là gần 107 tỷ đồng…

Hiện tại, tổng tài sản của SHBFC chỉ chiếm dưới 1% tổng tài sản của ngân hàng mẹ, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, với sự tham gia của đối tác ngoại, SHBFC sẽ là nhân tố đáng gờm trên thị trường tài chính tiêu dùng. Được biết, đã có một số đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của SHBFC.

Theo đại diện SHB, với sự tham gia của đối tác ngoại, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này để hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác.

Trên thực tế, không chỉ SHBFC, mà hàng loạt công ty tài chính trực thuộc ngân hàng đang là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ, như FE Credit, HDSaison, Mcredit… Dù Covid-19 tác động đáng kể đến vay tiêu dùng, song giới chuyên gia cho rằng, sự ảnh hưởng sẽ không quá lớn.

Năm 2019, FE Credit thu về gần 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đóng góp 43,3% vào tổng lợi nhuận của VPBank. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) tăng trưởng 31,3%, cao hơn so với mức 28,4% của năm trước.

Trong khi đó, HDSaison được dự báo sẽ giúp lợi nhuận của HDBank tiếp tục được cải thiện. Báo cáo phân tích mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt đánh giá rất cao triển vọng cho vay của HDSaison và cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của HDSaison trong giai đoạn 2019-2024 tăng từ 8% lên 11%. HDSaison cũng là yếu tố tích cực nhất thúc đẩy lợi nhuận ròng của ngân hàng mẹ HDBank tăng trưởng những năm tới.

Một ví dụ khác là Mcredit, từ khi có sự tham gia của đối tác ngoại, cũng lột xác mạnh mẽ và đang trở thành “gà đẻ trứng vàng” của MBBank. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng tài chính tiêu dùng - chủ yếu của Mcredit - đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng thu nhập lãi ròng của MBBank. Năm 2019, với lãi suất cho vay trung bình khoảng 40-45%/năm, Mcredit đang có biên lãi ròng trên 20%, cải thiện tỷ suất sinh lời cho ngân hàng hợp nhất.  

Thị trường còn nhiều tiềm năng

Theo lãnh đạo SHB, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Đây cũng là lý do các tập đoàn tài chính nước ngoài thường xuyên để mắt và tích cực rót vốn vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt trong thời gian qua.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song nhu cầu vay tiêu dùng của người dân vẫn rất lớn. Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp tung ra các gói tín dụng hàng chục ngàn tỷ đồng nhắm vào khách hàng cá nhân với lãi suất vô cùng ưu đãi. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kinh doanh gặp khó khăn, nhu cầu vay của doanh nghiệp yếu, nhưng tín dụng cá nhân vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

“Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vì thanh khoản dồi dào, lãi suất cho vay đang rất rẻ, nhưng cầu của doanh nghiệp yếu, tín dụng quý I/2020 chỉ tăng 1,3%”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Tuy nhiên, việc vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Vì vậy, trong cuộc đua cho vay tiêu dùng, công ty tài chính có nhiều lợi thế, đặc biệt là các công ty tài chính trực thuộc các ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit nhận định: “Hiện còn nhiều dư địa phát triển cho ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam từ các phân khúc khách hàng tiềm năng chưa được tiếp cận, những khách hàng đang tìm kiếm các giải pháp tài chính phù hợp, nhưng chưa được đáp ứng”.

Mặc dù dịch Covid-19 làm thu nhập của người dân sút giảm khiến nhu cầu vay và khả năng trả nợ kém đi, nhưng một bộ phận người dân lại tăng nhu cầu vay khi lãi suất rẻ đi hoặc khi dòng tiền bị gián đoạn, buộc phải tìm nơi tiếp vốn.

Trong bối cảnh cầu tín dụng doanh nghiệp suy yếu, NIM cho vay doanh nghiệp giảm kỷ lục để hỗ trợ sản xuất kinh doanh như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cho vay tiêu dùng vẫn sẽ là một trong những phân khúc hiếm hoi mang lại lợi nhuận cho ngân hàng bởi nhu cầu lớn, biên lợi nhuận cao hơn các phân khúc khác. Trong đó, các ngân hàng sở hữu các công ty tài chính sẽ có lợi thế hơn các đối thủ khác về cho vay tiêu dùng.

Tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 12% tổng dư nợ cả nước

Tính đến hết năm 2019, tín dụng tiêu dùng ước đạt 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ cả nước. Con số này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, còn quá nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, tín dụng cá nhân chiếm tới 50-70% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng.
Gỡ vướng pháp lý cho tài chính tiêu dùng
Thị trường tài chính tiêu dùng đã và đang phát triển mạnh trong những năm qua góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Tuy nhiên, những rào cản pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư