Thứ Ba, Ngày 01 tháng 07 năm 2025,
VN-Index tăng 3,26% trong tháng 6, kỳ vọng chinh phục mốc 1.400 điểm
Thanh Thuỷ - 01/07/2025 15:37
 
Phản ánh góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thuế, Vndirect Research mới đây còn điều chỉnh nâng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên 1.450 điểm, từ mức1.400 điểm trước đây.

Nối tiếp đà tăng điểm tích cực của tháng 5 liền trước, VN-Index đã ghi nhận mức tăng 43,47 điểm (3,26%) kể từ đầu tháng 6/2025. Các cổ phiếu trụ luân phiên tăng giá đã tạo động lực cho thị trường vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.350 điểm để củng cố xu thế tăng giá ngắn hạn.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 6 đạt khoảng 17.100 tỷ đồng, thấp hơn 4% so với tháng trước. Trong đó, phần lớn các phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản thấp hơn so với mức trung bình 20 phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng sau tháng mua vào hiếm hoi. Tuy nhiên, giá trị bán ròng của khối ngoại tháng trước chỉ khoảng hơn 520 tỷ đồng. 

Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Nhất Việt (VFS), mặc dù lực bán không quá lớn, dòng tiền tham gia thị trường vẫn có chọn lọc do thiếu thông tin hỗ trợ. Động lực tăng giá của thị trường chủ yếu đến từ nhóm VN30 với mức tăng trong tháng đạt 3,78%.

Trong tháng 6, đà dẫn dắt đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào 2 cổ phiếu nhà Vingroup là VIC và VHM mà “xoay trụ” sang các cổ phiếu khác như TCB, CTG, MSN… Dòng tiền cũng luân chuyển giữa các nhóm ngân hàng, bất động sản. bán lẻ, chứng khoán… Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu hóa chất và dầu khí thu hút mạnh dòng tiền với mức tăng trên 5%, trong đó nhiều mã như OIL, PLX, PVS, DDV, PHR tăng trên 10%. Động lực đến từ việc giá phân bón và dầu khí tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Theo chuyên gia từ VFS, tháng 7 là giai đoạn nhiều biến động do tác động từ chính sách thương mại của Mỹ và mùa công bố kết quả kinh doanh quý II. Theo dữ liệu quá khứ do chuyên gia từ Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thống kê, trong 10 năm gần đây, VN-Index đã ghi nhận 7 năm tăng điểm trong tháng 7.

Do vậy, 2, kỳ vọng thị trường sẽ duy trì trạng thái tích cực. Trong đó, ở kịch bản tích cực, lực cầu cải thiện, VN-Index hướng lên vùng 1.400 điểm và tích lũy trước khi hướng đến vùng điểm số cao hơn. Nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ở những cổ phiếu xuất hiện tín hiệu tiếp diễn xu thế tăng giá hoặc bứt phá khỏi vùng nền tích lũy với khối lượng lớn. Ở kịch bản thứ hai, áp lực bán ở vùng giá cao được đẩy mạnh, VN-Index quay lại dao động trong biên 1.310 - 1.370 điểm. Nhà đầu tư có thể giao dịch trong biên cho hoạt động lướt sóng ngắn hạn thông qua việc mua ở biên dưới và chờ bán ở biên trên.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS), thị trường đang mở ra xu hướng mới, có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong tuần cuối cùng của tháng 6, VN-Index lần đầu tiên vượt qua vùng kháng cự quan trọng, nối liền các đỉnh trong 2,5 năm qua là 1.360 điểm. Đà tăng cũng lan tỏa đều ra các ngành. 

Sau nửa đầu năm nhiều biến động, theo ông Sơn, một trong những yếu tố đáng chú ý trong tháng này sẽ là thời điểm hạn chót 9/7 liên quan đến lệnh tạm ngừng áp thuế đối ứng từ Mỹ. Chuyên gia từ VPBankS cũng nhấn mạnh ông Trump tuyên bố đã đạt mục tiêu thuế quan với Trung Quốc và hai nước đã ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn chưa được thông báo. Còn đối với những quốc gia chưa có trao đổi, ông Trump có thể áp đặt mức thuế quan mới, dự kiến không giảm hoặc vẫn rất cao hoặc Tổng thống Trump tiếp tục tạm hoãn việc áp thuế ngày 9/7, thêm thời gian cho đàm phán.

Tại tuần đầu tháng 7, ông Sơn cho rằng thị trường đang bước vào nhịp tăng mới, với dấu ấn từ những luật, nghị định vừa được thông qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, công nghệ (FPT, CMG), bất động sản, cổ phiếu hưởng lợi từ mức thuế quan hợp lý (ANV, nhóm dệt may) đang dẫn dắt. Thị trường đang vận động rất tích cực và trong tuần này hoặc tuần sau, có thể cán đích 1.380 đến 1.400 điểm.

Tỷ suất thu nhập trên giá của VN-Index - Nguồn: VNDirect.

Trong khi đó, phản ánh góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ, Khối Phân tích Chứng khoán Vndirect đã điều chỉnh tăng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên 1.450 điểm, tăng 14% so với mức dự báo 1.400 điểm cuối 2024. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại VNDIRECT chỉ ra kịch bản cơ sở nửa cuối năm, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ đàm phán thành công, đưa mức thuế đối ứng bình quân xuống khoảng 16–22% và Fed thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay cùng nền tảng vĩ mô vững chắc vẫn là chỗ dựa chính cho thị trường, tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,3%, tăng trưởng tín dụng 16%.

Những yếu tố trên sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay trong khoảng 14 - 15%, qua đó củng cố định giá VN-Index ở mức P/E dự phóng 13,5 lần vào thời điểm cuối năm. Biên độ chênh lệch giữa lợi suất thu nhập (E/P) của VN-Index và lãi suất tiền gửi cho thấy sức hấp dẫn của kênh đầu tư cổ phiếu so với hình thức tiết kiệm truyền thống.

Luận điểm đầu tư nửa cuối năm cũng được VNDirect Research.

Các luận điểm đầu tư nửa cuối năm cũng được VNDirect Research chỉ ra cho thấy thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn nhiều động lực như kỳ vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9 cùng tiến trình cải cách thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang "kiến tạo phát triển".

Bên cạnh đó, việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tiêu dùng và du lịch nhờ thu nhập hộ gia đình cải thiện cũng là chất xúc tác tác động đến các dòng cổ phiếu. Ngoài ra, ông Hinh kỳ vọng vào các động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 2.200 dự án đình trệ góp phần gia tăng nguồn cung bất động sản, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công và mô hình hợp tác côngtư (PPP) và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ tác động tích cực đến ngành bất động sản nửa cuối 2025.

Công ty chứng khoán tăng vốn để tìm động lực cạnh tranh và phát triển
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động tăng vốn điều lệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư