Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhanh chóng tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL
Thanh Vũ - 04/02/2015 07:22
 
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra trong 2 ngày (2 - 3/2) tại TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu nông nghiệp để hút FDI
Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp bách
Liên kết xúc tiến đầu tư nông nghiệp Vùng ÐBSCL

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng. “Chỉ chiếm 20% dân số, 13% diện tích, nhưng ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 90% lượng gạo xuất khẩu và 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước”, Bộ trưởng Phát nói.

 

Thời gian vừa qua, nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là về sản xuất lúa gạo, cá tra, tôm và trái cây. Trong giai đoạn 2005 - 2013, sản lượng lúa đã tăng 1,3 lần, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng gấp 2,25 lần. Nhờ vậy, thu nhập và đời sống của đa số nông dân không ngừng được cải thiện.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp Vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

Thứ nhất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định của vùng. Nhiều vùng ven biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng năm lấy đi trên 1.000 ha diện tích đất là không gian sống và sản xuất của người dân trong vùng. Về lâu dài, dự báo sẽ còn có nhiều tác động bất lợi nghiêm trọng khác ảnh hưởng tới khu vực.

Thứ hai, nhiều tiềm năng lớn trong khu vực chưa được khai thác, nhất là về thủy sản. Hiện mới sử dụng khoảng 6.000 ha, nhưng đã nuôi được 1 - 1,2 triệu tấn cá tra xuất khẩu, thu về 1,6 - 1,8 tỷ USD. Năm 2014, toàn vùng sử dụng 637.000 ha để nuôi 544 tấn tôm, trong đó nuôi công nghiệp và thâm canh chỉ chiếm 14% về diện tích, nhưng đóng góp tới 70% về sản lượng.

Thứ ba, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, kém bền vững, đa phần lúa gạo, trái cây chất lượng thấp, giá trị thấp.

Để phát triển bền vững nông nghiệp, ĐBSCL phải khắc phục những thách thức và tồn tại nêu trên. Theo đó, phải nhanh chóng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong mối quan hệ chặt chẽ đa ngành. Đồng thời, nông nghiệp ĐBSCL phải chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, hướng tới chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy cao hơn lợi thế về sản xuất lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Hà Lan, Chính phủ Australia và các đối khác đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn. “Điều này thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với ĐBSCL và cho thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển trên nhiều lĩnh vực thông qua các kênh khác nhau”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Cũng theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư khu vực phía Nam và cả nước nói chung. Do đó, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về biến đổi khí hậu, trong đó có 17 dự án thuộc các tỉnh ĐBSCL.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư