Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhập khẩu thép tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng từ Trung Quốc gấp 3 lần
Thanh Hương - 21/03/2024 14:27
 
Trong 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu đã lên tới 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc là 1,8 triệu tấn - gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.

Cụ thể, với riêng sản phẩm thép cán nóng (HRC), trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn với trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép được nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập của 2 tháng.

Trước đó, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 13,8 triệu tấn thép các loại (bao gồm cả hàng tạm nhập tái xuất, nhập vào khu chế xuất…), tăng 3,2% so với 2022 và 11% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu thép là 10,4 tỷ USD.

 Thép cuộn cán nóng đang được nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc vào Việt Nam

Thống kê của Hải quan cho thấy, hầu hết các sản phẩm thép nhập về Việt Nam đều tăng so với năm 2022 và 2021. Trong đó, sản phẩm thép được nhập khẩu nhiều nhất là thép cán nóng (HRC) với 10 triệu tấn, tăng 2,84% so với năm 2022 (gồm thép cán nóng dạng cuộn và dạng tấm), chiếm 73% tổng lượng thép nhập về Việt Nam.

Tiếp theo là thép xây dựng nhập gần 1,3 triệu tấn tăng 7,8% so với 2022 và tăng 33% so với 2021. Tôn mạ các loại nhập về 1,16 triệu tấn, tăng 20,68%.

Tình hình nhập khẩu thép 2021-2023

Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho hay, năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới gần 8,3 triệu tấn, chiếm hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản 14,3%, Hàn Quốc 8,3%,…

Việc nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Tuy nhiên cũng có tình trạng một số mặt hàng thép cảu Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đã giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.

Các nguồn tin cho hay, nhiều nhà cung cấp đã giảm giá bán thép HRC của Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu yếu và hợp đồng tương lai thép suy giảm ở Trung Quốc. 

Đơn cử sản phẩm HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn hồi quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Hiện tại, giá bán HRC của Trung Quốc dao động trong khoảng 520 - 560 USD/tấn, tùy loại.

 Toàn cảnh nhập khẩu các sản phẩm thép vào thị trường Việt Nam

Lợi thế về giá này đã khiến mặt hàng thép cán nóng HRC nhập từ Trung Quốc gia tăng tỷ trọng nhanh chóng và hiện chiếm tới tới 70% tổng lượng nhập khẩu HRC được nhập khẩu vào Việt Nam.

Sự cạnh tranh không lành mạnh về giá này cũng đang gây ra những khó khăn cho sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm.

 Nhập khẩu thép cuộn cán nóng vào Việt Nam. Nguồn: Thống kê hải quan

Thực tế năm 2023, các doanh nghiệp thuộc VSA đã sản xuất 27,7 triệu tấn thép các loại và tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.

Không chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, thép sản xuất tại Việt Nam cũng đã đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế và đang được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Bởi vậy, tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc chi hàng chục tỷ USD nhập thép cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ giữa VND/USD cũng như sự biến động mạnh về tỷ giá thời gian gần đây.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 18,6% sau 2 tháng đầu năm 2024
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư