Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhập siêu quay trở lại
Hà Nguyễn - 29/01/2022 14:23
 
Sau khi xuất siêu 4,08 tỷ USD trong năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại trong tháng đầu năm 2022, với 500 triệu USD.
Ước tháng 1/2022, ước tính nhập siêu 500 triệu USD.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng ước đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đóng góp lớn cho xuất khẩu vẫn là khu vực nước ngoài, với tổng kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) là 20,8 tỷ USD, giảm 15,9%; trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 16,9%.

Trong tháng 1/2022 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2022, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 0,9%, bằng cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong tháng ước đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,8%. 

Trong tháng 1/2022, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Điểm tích cực là, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%, giảm 2,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,3%, tăng 2,4 điểm phần trăm. Ngược lại, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chỉ chiếm 6,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm. Đây là những dấu hiệu tích cực cho sản xuất trong nước, bởi nhập khẩu tư liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Xét về thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,2 tỷ USD.

Trong tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang EU 2,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 5 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 69,2%; nhập siêu từ Nhật Bản 600 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 58,2 triệu USD).

Với kết quả xuất nhập khẩu như trên, nhập siêu đã quay trở lại với nền kinh tế sau khi xuất siêu 4,08 tỷ USD trong năm 2021. Ước tháng 1/2022, ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhập siêu trong tháng đầu năm không phải quá bất ngờ. Thông thường, tháng cuối năm và những tháng giáp Tết, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao, trong đó bao gồm cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng.

Nhập siêu quay trở lại, 5 tháng là 369 triệu USD
Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư