Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục
Đông Phong - 10/02/2025 18:03
 
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng vọt lên mức kỷ lục vào năm 2024, theo dữ liệu được Bộ Tài chính nước này công bố ngày 10/2.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm 2024 đã tăng 29,5% so với năm trước. Ảnh: AFP
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm 2024 đã tăng 29,5% so với năm trước. Ảnh: AFP

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt 29.300 tỷ yên (tương đương 192,67 tỷ USD) trong năm 2024, mức lớn nhất kể từ khi dữ liệu so sánh có sẵn vào năm 1985. Con số này tăng 29,5% so với năm trước.

Thực chất, đồng yên yếu hơn đã thúc đẩy lợi nhuận từ các khoản đầu tư nước ngoài giúp bù đắp được nhiều cho thâm hụt thương mại của Nhật bản.

Thu nhập chính từ chứng khoán và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vẫn là động lực lớn nhất với mức thặng dư kỷ lục 40.200 tỷ yên, khi các công ty Nhật Bản theo đuổi tăng trưởng ở nước ngoài, bao gồm cả việc mua lại các công ty nước ngoài.

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản cũng thu hẹp 40% xuống còn 3.900 tỷ yên nhờ xuất khẩu ô tô và thiết bị sản xuất chip mạnh mẽ cũng như chi phí nhập khẩu năng lượng thấp hơn. Trong khi đó, thặng dư từ du lịch cũng tăng lên 5.900 tỷ yên, phản ánh du lịch trong nước đang phát triển mạnh.

Riêng tháng 12/2024, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt 1.080 tỷ yên, giảm so với mức 3.350 tỷ yên của tháng trước.

Thặng dư tài khoản vãng lai từng được coi là dấu hiệu của sức mạnh xuất khẩu và là cơ sở niềm tin vào đồng yên là tài sản trú ẩn an toàn.

Nhưng khoản mục trong cán cân vãng lai của Nhật Bản đã thay đổi trong thập kỷ qua khi thương mại không còn tạo ra thặng dư do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng đột biến và các công ty Nhật Bản gia tăng sản xuất ở nước ngoài.

Nhật Bản hiện bù đắp thâm hụt thương mại bằng thặng dư thu nhập chính mạnh mẽ, bao gồm các khoản thanh toán lãi suất và cổ tức từ các khoản đầu tư trước đó ở nước ngoài.

Nhưng phần lớn thu nhập kiếm được ở nước ngoài như vậy được tái đầu tư ra nước ngoài thay vì được chuyển đổi thành đồng yên và hồi hương về nước, điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể khiến đồng tiền Nhật Bản suy yếu.

"Không có lý do gì để đưa dòng tiền hồi hương vì đầu tư ở nước ngoài mang lại lợi nhuận cao hơn so với trong nước", nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami của Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết.

Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này - nhằm chấm dứt thặng dư thương mại hàng năm trị giá 68,5 tỷ USD với Washington và đây cũng là lời kêu gọi mà Tổng thống Donald Trump đã đưa ra trong chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vào cuối tuần qua.

Nhật Bản: BoJ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 17 năm qua
Ngày 24/1/2024, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư