Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhật Bản: Liệu có kịch bản đẹp cho lãi suất sau mùa “shunto” thắng lợi
Đông Phong - 19/03/2024 09:53
 
Các cuộc đàm phán tăng lương vào mùa xuân, còn gọi là “shunto”, thành công vang dội được hy vọng sẽ dọn đường để Nhật Bản bước vào chu kỳ tăng lãi suất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nếu lạm phát thuyên giảm và lương thực tế tăng, tiêu dùng hộ gia đình Nhật Bản có thể bắt đầu tăng vào cuối năm nay 	Ảnh: AFP
Nếu lạm phát thuyên giảm và lương thực tế tăng, tiêu dùng hộ gia đình Nhật Bản có thể bắt đầu tăng vào cuối năm nay Ảnh: AFP

Thành công hơn mong đợi

Mùa “shunto” 2024 rất được mong đợi đã diễn ra “thuận buồm xuôi gió” trong tuần trước và những kỳ tích tốt nhất trong vài thập kỷ đã xuất hiện.

Tổ chức công đoàn lớn nhất Nhật Bản - Rengo - cho biết, người lao động tại các công ty lớn nhất nước này sắp được hưởng mức tăng lương cao nhất trong 33 năm qua. Đây là yếu tố tạo động lực để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm đã áp dụng từ năm 2016.

Trong bảng kê sơ bộ về các cuộc đàm phán tiền lương năm nay với doanh nghiệp, Rengo nêu rõ, 7 triệu đoàn viên công đoàn của họ sẽ nhận được mức tăng lương khoảng 5,28% trong năm tài chính 2024.

Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản công bố mức tăng lương mạnh mẽ sau khi đàm phán với công đoàn, thậm chí, một số trường hợp còn vượt cả mức mà công đoàn đề xuất. Điển hình, Toyota đồng ý mức tăng lương hàng năm lớn nhất cho người lao động trong 25 năm, trong khi các “ông lớn” khác như Honda, Nissan và Panasonic cũng nhất trí đáp ứng đề xuất tăng lương. 

Ngay cả khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, thật khó để tưởng tượng một con đường mà sau đó ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng.

- Ông Shinichi Uchida, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)

Thắng lợi của mùa “shunto” 2024 đánh dấu một bước đột phá lớn ở Nhật Bản, nơi tiền lương thực tế đã trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990. Có lẽ, chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa đột phá đó, mà Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, kết quả “shunto” năm nay sẽ ảnh hưởng đến quyết định về thời điểm thoát khỏi chính sách lãi suất âm.

Nếu BOJ “dứt áo” với lãi suất âm, họ sẽ là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới làm điều đó.

Theo ông Thierry Wizman, chiến lược gia lãi suất và tiền tệ toàn cầu tại Macquarie Group, mức đàm phán tăng lương lên khoảng 5% là đủ để khiến BOJ hài lòng rằng, tiền lương đang tăng và thôi thúc họ “đảo chiều” chính sách tiền tệ.

Từng dự đoán sự thay đổi chính sách đó sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng 4/2024 của BOJ, nhưng mới đây nhất, ông Wizman nhận định, khả năng cao, thay đổi sẽ diễn ra trong tháng 3 này.

Một hay 2 đợt tăng lãi suất năm 2024?

Mặc dù đã phát đi tín hiệu sẵn sàng kết thúc kỷ nguyên tiền rẻ chưa từng có với lần tăng lãi suất đầu tiên dự kiến vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay, nhưng BOJ vẫn phải đối mặt với một số quyết định đầy thách thức về việc làm thế nào để từ bỏ lãi suất âm mà không gây hỗn loạn thị trường toàn cầu và các ngân hàng Nhật Bản.

Những câu hỏi khó được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản là: nên tăng lãi suất lên 0% trước, hay tiến thẳng vào vùng dương; phải làm gì với danh mục trái phiếu khổng lồ của  BOJ; và quan trọng hơn hết, điều gì sẽ là “hoa tiêu” cho lộ trình lãi suất sau lần tăng đầu tiên.

Về câu hỏi đầu tiên, các quan chức BOJ sắp đi đến quyết định: họ có khả năng tăng lãi suất chính sách thêm 20 điểm cơ bản, lên 0,1%. Tờ Financial Times dẫn bài phát biểu gần đây của Phó thống đốc BOJ Shinichi Uchida cho rằng, điều này sẽ khiến lãi suất thị trường tiền tệ tăng từ dưới 0 một chút lên khoảng 0 - 0,1%.

Thế nhưng, điều này làm phát sinh một câu hỏi khác. Đó là, liệu BOJ có nên từ bỏ hệ thống lãi suất 3 tầng phức tạp (gồm các mức 0,1%; 0% và -0,1%) đối với tiền gửi dự trữ của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Trung ương mà cơ quan này đã áp dụng cách đây 8 năm để khuyến khích giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và hạn chế ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng từ chính sách lãi suất âm.

“Shunto” là cuộc đàm phán lương hằng năm của Nhật Bản diễn ra vào mùa xuân. Vào dịp “Shunto” hằng năm, tổ chức công đoàn sẽ đàm phán với người sử dụng lao động về việc tăng lương cho người lao động và các chế độ khác như tiền thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc cho năm tài chính mới bắt đầu vào tháng 4.

Ông Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics khẳng định, con đường rõ ràng nhất là loại bỏ việc phân cấp lãi suất. “BOJ đã có chính sách lãi suất bằng 0 và vào thời điểm đó, họ không có hệ thống phân cấp, nên điều đó hoàn toàn hợp lý”, ông Angrick nói thêm.

Nhưng, việc quay trở lại tình trạng trước năm 2016 là điều không dễ, theo ông Izuru Kato, kinh tế trưởng tại Totan Research, một nhà quan sát BOJ lâu năm. Nếu hệ thống phân cấp lãi suất bị loại bỏ, động lực để các ngân hàng giao dịch trên thị trường tiền tệ ngắn hạn sẽ hao hụt, trừ khi BOJ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán để giảm lượng dự trữ dư thừa.

Theo ông Kato, BOJ có thể duy trì hệ thống lãi suất 2 tầng để ngăn chặn sự sụt giảm trong giao dịch liên ngân hàng, tương tự cách Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ duy trì mức dự trữ của mình vì lý do tương tự sau khi quay trở lại mức lãi suất chính sách lãi suất dương vào năm 2022.

Đối với danh mục trái phiếu của mình, BOJ khó có thể thực hiện bất kỳ sự thay đổi táo bạo nào theo hướng thắt chặt định lượng - đình chỉ mua tài sản, hoặc thậm chí bán tài sản. Thay vào đó, các quan chức BOJ có thể tận dụng lịch trình đáo hạn không đồng đều để thu hẹp danh mục đầu tư một cách chậm rãi, ngay cả khi họ tiếp tục mua trái phiếu mới.

Kỳ hạn hàng năm của danh mục đầu tư trái phiếu sẽ ở mức khoảng 70.000 tỷ JPY (tương đương 470 tỷ USD) trong vài năm tới. Nếu BOJ mua vào trái phiếu với tốc độ vừa phải, những điều chỉnh nhỏ trong lịch trình mua có thể khiến danh mục đầu tư bị suy giảm.

Bên cạnh các quyết định kỹ thuật, điều dễ nhận ra là, con đường bình thường hóa chính sách của BOJ sẽ khác với con đường mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu lựa chọn khi họ thực hiện các đợt tăng lãi suất vào năm 2022 để chống đỡ lạm phát kỷ lục.

Năm 2023, lạm phát toàn phần của Nhật Bản là 3,2%, nhưng đã chậm lại trong tháng 1/2024 và sát với mục tiêu 2% của BOJ. Mặt khác, dù Nhật Bản đã tránh được suy thoái kỹ thuật trong quý IV/2023 với mức tăng trưởng 0,1% so với quý III/2023 (theo dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản), nhưng tiêu dùng tư nhân trong kỳ đã giảm 0,3%, nhiều hơn mức ước giảm 0,2%.

Điều đó có nghĩa là, lãi suất có thể tiếp tục ở mức rất thấp trong tương lai gần và BOJ không coi lần tăng lãi suất đầu tiên là “phát súng” khai mào cho các đợt tăng lãi suất nhanh chóng khác sau đó.

Phó thống đốc BOJ, ông Shinichi Uchida nhấn mạnh rằng, tình hình của Nhật Bản không thể so sánh với tình hình ở Mỹ hay châu Âu, vì kỳ vọng lạm phát vẫn chưa được giữ ở mức 2% sau một thời gian dài giảm phát và trì trệ kinh tế. “Ngay cả khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, thật khó để tưởng tượng một con đường mà sau đó Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng”, ông Uchida nói thêm.

Dự báo của các bên tham gia thị trường về tốc độ tăng lãi suất của BOJ vẫn đang “vênh” nhau. Trong khi Yamawaki và UBS kỳ vọng lãi suất chính sách của BOJ sẽ ở mức 0 hoặc 0,1% cho đến năm 2025, thì Morgan Stanley dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 0,25% vào tháng 7 tới.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị BOJ tăng lãi suất chính sách trong vài năm tới, sau khi bãi bỏ chính sách giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm, chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng và định tính. Tất nhiên, IMF cũng lưu ý BOJ rằng, quá trình này nên được thực hiện dần dần.

Vấn đề cần lưu tâm nữa là các tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể dễ dàng “gật đầu” với mức tăng lương nhờ mức lợi nhuận kỷ lục mà họ kiếm được, nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khối doanh nghiệp cung cấp 70% việc làm ở đất nước mặt trời mọc - thì mọi ánh mắt đang đổ dồn vào họ. Bởi lẽ, việc tăng lương mạnh mẽ hơn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết để làm cơ sở cho lần tăng lãi suất chính sách thứ hai, theo ông Kazuo Momma, cựu Giám đốc chính sách tiền tệ của BOJ và hiện là nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Mizuho.

Nếu lạm phát thuyên giảm và lương thực tế tăng, tiêu dùng hộ gia đình Nhật Bản có thể bắt đầu tăng vào cuối năm nay. “Nếu điều đó xảy ra, thì có thể sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay”, ông Momma phân tích.

Masan Consumer “tăng tốc” chiến lược Go Global tại Nhật Bản
Tại Foodex Nhật Bản 2024, Masan Consumer đã ra mắt bộ gia vị hạt và bột đặc sản, tương ớt Sriracha và chả giò CHIN-SU được tinh chế chọn lọc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư