Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 29 tháng 06 năm 2024,
Nhật Bản sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ 24 giờ một ngày nếu cần
Đông Phong - 24/06/2024 11:12
 
Đồng yên vẫn đang chịu áp lực lớn trong ngày 24/6, ngay cả khi giới chức tiền tệ Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng can thiệp tiền tệ 24 giờ trong ngày nếu cần thiết.
Thứ trưởng tài chính Nhật Bản Masato Kanda. Ảnh: Bloomberg
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda. Ảnh: Bloomberg

"Sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp"

Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết: "Nếu tiền tệ biến động quá mức, nó sẽ gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc dân". "Nếu xuất hiện những động thái quá mức dựa trên suy đoán, chúng tôi sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp", ông Kanda khẳng định.

Lời khẳng định trên của Thứ trưởng Kanda được đưa ra khi đồng yên dao động gần mức 160 JPY "ăn" 1 USD, tiệm cận mức 160,17 JPY đổi 1 USD được thiết lập vào ngày 29/4 - thời điểm mà Nhật Bản được cho là đã can thiệp thị trường tiền tệ.

Đồng yên giao dịch ít thay đổi ở mức 159,81 JPY đổi 1 USD vào lúc 9:59 sáng 24/6 tại Tokyo, khiến đồng tiền này ở gần mức yếu nhất trong khoảng 34 năm qua.

Nhật Bản thừa nhận rằng họ đã chi 9,8 nghìn tỷ yên (tương đương 61,3 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong khoảng thời gian kéo dài một tháng từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Các nhà chức trách Nhật Bản không nêu rõ ngày thực hiện hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, nhưng mô hình giao dịch cho thấy có hai đợt can thiệp lớn vào ngày 29/4 và ngày 1/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy Nhật Bản có thể đã bán ra trái phiếu chính phủ để giúp thực hiện can thiệp thị trường.

Ông Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại IG Australia, cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ rằng đợt can thiệp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ xảy ra sau khi tỷ giá USD/JPY kích hoạt các lệnh mua nằm trên mức cao nhất cuối tháng 4 là 160,20".

Ông Sycamore lý giải sự sụt giảm của đồng yên so với đồng đô la Mỹ vào tuần trước là do dữ liệu chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ mạnh hơn dự đoán và việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản miễn cưỡng đưa ra kế hoạch chi tiết về việc giảm mua trái phiếu.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể cắt giảm đáng kể hơn việc mua vào trái phiếu sau khi xem xét xu hướng của các bên tham gia thị trường. Một thành viên của hội đồng chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nói rằng cơ quan này cần xem xét điều chỉnh thêm việc nới lỏng tiền tệ vì có nguy cơ lạm phát tăng cao.

Trong khi đó, Thứ trưởng Kanda cho biết, các nhà chức trách toàn cầu liên lạc với nhau hàng ngày về nhiều vấn đề, bao gồm cả tiền tệ. Vị này cho biết thêm, thị trường đang chú ý đến mức độ tiền tệ và có cảm giác thận trọng cao về sự can thiệp ngoại hối.

Thứ trưởng Kanda cho biết những người đồng cấp của ông ở Washington không gặp vấn đề gì với sự can thiệp của Nhật Bản. "Điều quan trọng nhất đối với họ là sự minh bạch", ông Kanda cho biết. Ngoài ra, quyết định của Mỹ bổ sung Nhật Bản vào danh sách theo dõi tiền tệ của mình không ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Nhật Bản.

Nhà đầu tư thận trọng

Sự phục hồi kỷ lục của thị trường cổ phiếu Nhật Bản vào đầu năm nay dường như đã là một ký ức xa vời khi các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản chậm chạp.

Citigroup và abrdn Plc nằm trong số các công ty tỏ ra bi quan hơn đối với chứng khoán Nhật Bản khi triển vọng cải cách quản trị doanh nghiệp và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn chưa chắc chắn. Một cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America cho thấy khoảng 1/3 số người được hỏi tin rằng thị trường Nhật Bản đã đạt đỉnh.

Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã giúp đẩy cổ phiếu Nhật Bản lên mức cao kỷ lục chỉ vài tháng trước, đã bán ròng tuần thứ tư liên tiếp tính đến ngày 14/6. Đó là chuỗi bán tháo dài nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Chỉ số blue-chip Nikkei 225 của Nhật Bản đã chững lại kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 22/3. Chỉ số này đã giảm 5,6% kể từ đó, so với mức tăng 1% trong cùng kỳ của chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức tăng 4,4% trong chỉ số S&P 500 đang tăng vọt của Mỹ.

"Sự lạc quan ban đầu đối với chứng khoán Nhật Bản trong năm nay rõ ràng đang tăng nhanh", bà Hebe Chen, nhà phân tích tại IG Markets, nhận xét. "Các nhà đầu tư phải đối mặt với câu hỏi đau đầu về việc liệu các động lực thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản có bền vững hay không".

Những yếu tố hỗ trợ chứng khoán Nhật Bản trước đó lại đang bắt đầu kéo thị trường đi xuống. Theo dữ liệu của TSE, các nhà đầu tư nước ngoài từng đổ xô vào hiện quay xe và bán tháo lượng cổ phiếu Nhật Bản trị giá 250 tỷ yên (1,6 tỷ USD) trong tuần kết thúc vào ngày 14/6.

Theo các nhà phân tích của Citigroup, chứng khoán Nhật Bản đang phải đối mặt với "rủi ro điều chỉnh nghiêm trọng" và có thể phải mất một thời gian trước khi các yếu tố tích cực xuất hiện.

Các nhà đầu tư đang trở nên cảnh giác trước sự trượt giá không ngừng của đồng yên. Trước đây, họ hoan nghênh đồng tiền này yếu như một lợi ích cho các nhà xuất khẩu, nhưng mức độ sụt giảm gần đây của đồng yên đã khiến người ta tập trung vào việc nó có thể gây hại cho nền kinh tế Nhật Bản như thế nào, bao gồm cả việc thúc đẩy áp lực lạm phát.

"Chúng tôi muốn thấy một số mức sàn trong xu hướng suy yếu" của đồng yên và điều đó có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước", bà Aisa Ogoshi, nhà phân tích của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg.

Những đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất chậm lại đã đè nặng lên các tổ chức cho vay gần đây, khi chỉ số cổ phiếu ngân hàng giảm 5,2% trong tháng này, cao gấp 3 so với mức giảm 1,7% của chỉ số Topix. Cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản đã gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng này khi trì hoãn việc công bố kế hoạch giảm mua vào trái phiếu cho đến tháng 7. Tỷ giá hoán đổi đang báo hiệu rằng khả năng tăng lãi suất vào tháng 7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giảm xuống khoảng 28%, từ mức khoảng 66% vào đầu tháng.

Theo ông David Zhou, giám đốc đầu tư đa tài sản và đầu tư tại abrdn Plc, công ty này ưa chuộng đầu tư cổ phiếu Trung Quốc và Ấn Độ hơn cổ phiếu Nhật Bản trong vòng 3 đến 6 tháng tới.

Công ty abrdn Plc dự đoán rằng những động thái chính sách đúng đắn sẽ giúp hai thị trường mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ thu hút dòng vốn vào, ông Zhou cho biết. Còn đối với Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ cần thấy nhiều tiến bộ hơn trong cải cách quản trị doanh nghiệp trước khi gia tăng đầu tư vào thị trường cổ phiếu này.

Nhật Bản: BoJ quyết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, đồng yen lao dốc
Ngày 22/9, Hội đồng Chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp việc chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư