Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nhen nhóm cuộc tháo chạy khỏi điện mặt trời và bài học từ các nhà đầu tư Trung Quốc
Thanh Hương - 27/11/2018 10:32
 
“Cần bán trang trại điện mặt trời Bình Thuận, 50 Mwp. Giá 220.000 USD/Mwp, đất 50 năm, đã có PPA”. Lời rao ngắn gọn được tung ra trên một diễn đàn về năng lượng tái tạo ở thời điểm nhiều đường dây truyền tải điện đã đầy tải hoặc quá tải ở khu vực này có thể nhen nhóm sự tháo chạy khỏi điện mặt trời.

Bế tắc lưới

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra ngày 2/11/2018, nếu tính tất cả các dự án đã ký PPA (hợp đồng mua bán điện) và các dự án đang đàm phán PPA, thì tổng công suất điện mặt trời tại Bình Thuận lên tới 749,63 MW. Đáng nói là, Bình Thuận đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép được hưởng cơ chế kéo dài thời gian vận hành thương mại của các dự án điện mặt trời vào năm 2020 như tỉnh Ninh Thuận, thay vì chốt lại trước ngày 30/6/2019.

.
.

Theo tính toán của A0, Ninh Thuận hiện có 685,5 MW công suất điện mặt trời đã được ký PPA. Tuy nhiên, nếu tính cả các dự án đang chờ ký PPA tại Ninh Thuận, thì tổng công suất các dự án hiện đã là 1.047,32 MW. Đáng nói là, ngay cả khi các dự án điện mặt trời đã có PPA và đang chờ ký PPA ở Ninh Thuận mới chỉ bằng 1/2 so với con số 2.000 MW được cho phép theo Nghị quyết số 115/NQ - CP, thì các đường dây truyền tải quanh khu vực này đã rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải.

Bình luận về thực tế đầy tải, quá tải của một số đường dây truyền tải ở khu vực miền Trung, thành viên Nhat Dinh trên Diễn đàn Năng lượng tái tạo cho hay, mỗi chu kỳ đầu tư, nhà máy điện cần 7 - 10 năm để còn đưa vào quy hoạch và thu xếp lưới tải. Thời điểm tháng 3/2016, khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh được công bố, vẫn chưa thấy nhà đầu tư mặt trời, điện gió nào. Nhưng khi giá mua bán điện mặt trời được quyết ở mức tương đương 9,35 UScent/kWh vào tháng 4/2017, đã có sự đổ bộ làm điện mặt trời của rất nhiều nhà đầu tư, dẫn tới tình trạng như hiện tại. 

Chia sẻ thực tế trên, ông Bùi Vạn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Bình Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Phong điện Bình Thuận cho hay, quy hoạch điện luôn phải hài hòa phát triển giữa nguồn và lưới. Trong Quy hoạch Điện VII và VII điều chỉnh, năm 2020 chỉ tính có 850 MW năng lượng tái tạo được huy động và năm 2025 là 4.000 MW. Tuy nhiên đến nay, số dự án điện mặt trời và quy mô được đăng ký triển khai đã vượt xa quy hoạch ban đầu, trong khi lưới không theo kịp. 

“Chuyện này giống như sân Mỹ Đình chỉ chứa được 40.000 người, nhưng người mua vé quá đông, thì có tình trạng cò vé, phe vé, đẩy giá vé lên cao. Nguy hiểm nhất là số vé bán ra đã gấp nhiều lần sức chứa của sân thì mọi người hiểu chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Thịnh nhận xét. 

Vỡ mộng

Ông Thịnh cho hay, nếu sản lượng hay công suất dự án bị giảm 10%, mọi tính toán có thể bị đảo lộn. Nay A0 cảnh báo sẽ giảm đều công suất và phương án cao có thể giảm đến 90% công suất, sẽ khiến cho không dự án nào tồn tại nổi. 

Nhìn rộng ra thế giới, bài học điện gió của Trung Quốc được cho là nóng hổi để các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam cân nhắc. Hiện tại, tổng công suất lắp điện gió tại Trung quốc cỡ 200 GW, trong khi tại Mỹ chỉ có khoảng 100 GW. Trớ trêu là sản lượng điện gió phát ra hàng năm tại Mỹ lại cao hơn, cho thấy hiệu quả phát điện của điện gió Trung Quốc rất thấp. Điều này có nguyên do là nhiều dự án lắp xong không thể phát điện vì không có lưới - một hậu quả của việc phát triển nóng, thiếu đồng bộ. 

“Đừng để năng lượng tái tạo của Việt Nam đi theo vết xe này”, là cảnh báo thẳng thắn của các chuyên gia dành cho những nhà đầu tư có ý định làm thật và không bán dự án. 

Theo ông Thịnh, giá mua điện mặt trời 9,35 UScent/kWh là khá cao lúc này và khi tính toán mô hình để chọn mức giá, không ai nghĩ giá pannel lại xuống nhanh như vậy. Mức giá có thời hạn này cũng đã tạo nên cuộc đua không cân sức hiện nay và thị trường mua bán dự án trở nên quá nóng. 

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tuy đóng vai trò là người quản lý sân, chịu trách nhiệm an toàn trên sân, nhưng lại không được quyền bán vé. Cũng không thể trách được EVN bởi càng nhiều năng lượng tái tạo, EVN càng lỗ (giá bán điện bình quân hiện nay mới chỉ tương đương 7,3 UScent/kWh, trong khi giá mua điện gió, điện mặt trời cao hơn nhiều, chưa kể còn phải có chi phí truyền tải, chi phí phân phối). 

Đặc biệt, càng nhiều năng lượng tái tạo, thì lưới điện của hệ thống càng bất ổn và càng cần có nhiều nguồn dự phòng để bù đắp cho các nguồn năng lượng tái tạo khi bị suy giảm đột ngột bởi các yếu tố thời tiết, môi trường bên ngoài.

“Nên tạm dừng cuộc chơi khi biết sức mình có hạn, chờ hết sốt rồi tính tiếp. Ra đường trong lúc kẹt xe thế này là mạo hiểm lớn”, là lời khuyên của ông Thịnh dành cho các nhà đầu tư đang lao về phía mặt trời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư