Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam là phát triển bền vững
PV - 19/12/2018 11:41
 
Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm là thông điệp quan trọng được khẳng định tại Hội nghị "Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững" vừa diễn ra.
.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại sự kiện.

Trong hai ngày 17-18/12/2018, Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức đã diễn ra tại Đà Nẵng.

Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Hội nghị lần này là bước khởi động để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND địa phương bắt tay vào việc xây dựng một số kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.

Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã có bài phát biểu quan trọng với tư cách là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Cụ thể, Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể, phản ánh được 150/169 mục tiêu toàn cầu.

Kế hoạch hành động đã đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu cho 2 giai đoạn chính. Trong đó, Giai đoạn I, từ năm 2017 - 2020, tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế cho thực hiện phát triển bền vững; ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như xây dựng lộ trình và hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững, hướng dẫn lồng ghép, giám sát đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.

Giai đoạn II, từ năm 2020 - 2030, tập trung vào việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động như tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - cộng nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cần lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững với kế hoạch kinh tế - xã hội

Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để thực hiện mục tiêu đó?

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam phải tập trung vào thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.

Thứ hai, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược, kế hoạch liên quan.

“Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp được xem là một cơ chế giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam xác định, tới đây, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để thực hiện thành công các mục tiêu này”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững cũng đã quy định rất rõ về việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Đến năm 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025, các quy hoạch phát triển của ngành và địa phương giai đoạn 2021 - 2030.

“Đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là một căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai việc lồng ghép”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Giải pháp thứ ba để thực hiện phát triển bền vững, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, là phải huy động sự tham gia và nguồn lực từ các bên liên quan.

Thông tin cho biết, nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn, ước tính tổng nhu cầu vốn cần bổ sung thêm trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 khoảng 108,1 tỷ USD. Trong đó, khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 75,8 tỷ USD. Như vậy riêng đối với 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cần phải bổ sung thêm 32,3 tỷ USD.

“Do đó, bên cạnh nguồn lực công cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cần tập trung huy động nguồn lực từ tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thực hiện phát triển bền vững thông qua các cải cách thích hợp về thể chế, chính sách”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói và nhấn mạnh, bên cạnh huy động nguồn lực tài chính, Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ từ các quốc gia trên thế giới về kỹ thuật, công nghệ và tăng cường nhân lực cho thực hiện phát triển bền vững.

Ngoài 3 giải pháp trọng tâm nêu trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng đã nhấn mạnh việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cũng như xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững.

“Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ không của riêng một cá nhân hay một quốc gia nào. Do vậy, chúng ta cần thúc đẩy mối quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tại phiên khai mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư