Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nhiệt điện BOT Hải Dương chậm tiến độ: Yêu cầu báo cáo năng lực của nhà đầu tư
Nguyên Đức - 27/08/2016 07:31
 
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đang rất sốt ruột trước việc Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương chậm tiến độ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo về năng lực của nhà đầu tư, những khó khăn, tồn tại dẫn đến việc chậm tiến độ dự án 39 tháng.

Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy vào cuối tháng 3/2016, song lãnh đạo tỉnh Hải Dương vẫn không khỏi sốt ruột trước tiến độ triển khai của dự án này. Sốt ruột đến nỗi, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo nhà đầu tư - Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) - khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án.

.
.

“Dự án thực sự đang rất chậm”, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã nhấn mạnh như vậy với phóng viên Báo Đầu tư và cho biết, tuy nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhưng dự án này lại do phía Bộ Công thương quản lý, do vậy mọi thông tin chi tiết liên quan đến chủ đầu tư, tình hình triển khai cụ thể… sẽ do bộ này nắm. Tỉnh chỉ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng.

Câu chuyện nằm ở chỗ, khi mặt bằng đã được bàn giao (tổng diện tích của Dự án là hơn 199 ha, thuộc địa bàn 3 xã Phúc Thành, Quang Trung và Lê Ninh, huyện Kinh Môn - tỉnh Hải Dương), mà Dự án không được triển khai thì gây lãng phí nguồn lực và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hải Dương lo là phải.

Chính vì vậy, trong thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, do Văn phòng Chính phủ ban hành cách đây 2 tuần, Thủ tướng đã “giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016 về năng lực của nhà đầu tư, những khó khăn, tồn tại dẫn đến việc chậm tiến độ Dự án 39 tháng, đề xuất phương án xử lý”.

Sau việc thực thi chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, có thể kỳ vọng tình hình triển khai Dự án sẽ được cải thiện, để đảm bảo tiến độ đã cam kết là vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12/2019 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2020. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Dự án sẽ có 4 năm để triển khai xây dựng, nếu không muốn bị phạt theo hợp đồng BOT đã ký.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2011 và chỉ một tháng sau đó, Nhiệt điện BOT Hải Dương đã tiến hành động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi đó, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với dự án này. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm trễ triển khai, chuyển đổi đối tác đầu tư, tới giữa năm 2015, Tập đoàn Jaks Resources Bhd mới chính thức công bố việc ký thỏa thuận với CPECC để phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, quy mô 1.200 MW.

Theo thỏa thuận, tỷ lệ góp vốn trong dự án này là 50:50. Trong đó, Jaks Power Holding Ltd, công ty con của Tập đoàn Jaks, góp 140,1 triệu cổ phiếu trong Công ty Jaks Pacific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với giá là 140,1 triệu USD. CPECC cũng có phần đóng góp tương tự - 140,1 triệu cổ phiếu, với giá 140,1 triệu USD. Để triển khai Dự án, nhà đầu tư sẽ sử dụng 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại.

Sau khi thỏa thuận được ký, khi việc thu xếp vốn đã được hoàn tất, cuối tháng 3/2016, Dự án chính thức được động thổ xây dựng. Đây cũng là một bước ngoặt cho dự án khá long đong, lận đận này.

Thực tế, từ khi bắt đầu triển khai, Dự án đã gặp hết sự cố này tới sự cố khác. Ban đầu là sự “đổ bể” thỏa thuận hợp tác với Công ty Island Circle Investment Holding Ltd (Malaysia) và Công ty Meiya Power Ltd (Trung Quốc). Sau sự đổ bể này, đầu năm 2013, Jaks cũng tuyên bố đã tìm được hai đối tác mới để thay thế. Đó là Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Kaidi - Trung Quốc) và Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB - Malaysia). Nhưng rồi, sự hợp tác cũng bất thành.

Cuối cùng, CPECC mới nhảy vào và sự xuất hiện của CPECC được ông Tan Sri Datuk Husun Bin Haji Ismail, Chủ tịch Jaks cho rằng, sẽ “làm thay đổi cục diện” dự án. Lý do, theo ông Tan, là CPECC có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng khoảng 49.000 MW các dự án điện. Thêm vào đó, CPECC và công ty mẹ là China Energy Engineering Group cũng sẽ cung cấp bảo lãnh để đảm bảo toàn bộ cam kết vốn chủ sở hữu và tài trợ vốn cho Dự án.

Dù sao thì “cuộc hôn phối” này cũng đã có ra kết quả đầu tiên bằng một lễ khởi công xây dựng Dự án. Tuy nhiên, kết cục đến đâu vẫn còn phải chờ đợi. Chỉ biết rằng, câu chuyện cũng sẽ không hề đơn giản, khi mà Chính phủ đã phải yêu cầu báo cáo về năng lực của nhà đầu tư.

Thực tế, trong quá trình triển khai, Jaks cũng đã từng bị vướng nghi án năng lực tài chính khi mãi không chịu trả trên 200 tỷ đồng khoản vay tạm ứng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án.

Và thậm chí, đầu tháng 6 năm nay, một lần nữa, chủ đầu tư Dự án đã bị tỉnh Hải Dương “tróc nợ”. Khoản tiền không lớn, chỉ hơn 6,7 tỷ đồng, nhưng cũng dằng dai 2 năm, Jaks không hoàn trả ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, theo thông tin từ ông Nguyễn Dương Thái, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương đã trả đủ khoản nợ này.

Cũng cần nhắc lại rằng, Nhiệt điện BOT Hải Dương không phải là dự án BOT ngành điện duy nhất đang bị chậm tiến độ. Chính phủ cũng đang rất sốt ruột trước tình trạng nhiều dự án BOT ngành điện chậm triển khai, tắc trong làm thủ tục đầu tư.

Động thổ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 trị giá 2,2 tỷ USD
Ngày 3/8, Công ty JanaKuasa (Malaysia) tổ chức động thổ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải, xã Dân Thành,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư