Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhiệt điện Vũng Áng 1: Hoạt động 7 năm vẫn chưa thể quyết toán
Thanh Hương - 14/08/2022 08:22
 
Khánh thành nhà máy vào tháng 9/2015, nhưng đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa thể quyết toán, nên chưa thể thanh toán dứt điểm cho các nhà thầu thi công công trình.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có quy mô 1.200 NW, đã đi vào vận hành thương mại cả hai tổ máy từ năm 2015.

Vượt khủng hoảng, đưa nhà máy vào vận hành

Mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành và thu ngay được tiền bán điện, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa thanh toán nốt số tiền mà Tổng thầu là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã bỏ ra để thực hiện các công việc có liên quan tại công trình này, ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.

Bởi vậy, tại lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cách đây ít ngày, trước sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành và Petrovietnam, lãnh đạo LILAMA đã lên tiếng đề nghị quyết toán dứt điểm Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Quay trở lại quá khứ, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có quy mô 1.200 MW từng được Thủ tướng Chính phủ giao LILAMA làm chủ đầu tư với mong muốn phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước. Tháng 12/2006, Hội đồng Quản trị của LILAMA đã phê duyệt Dự án với tổng mức đầu tư là 19.996 tỷ đồng, tương đương 1,249 tỷ USD khi đó.

Tuy nhiên, do khó khăn về thu xếp vốn, nên LILAMA và Petrovietnam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao Petrovietnam làm chủ đầu tư và giao các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm.

Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý chuyển giao Dự án Vũng Áng 1 cho Petrovietnam là chủ đầu tư và đồng ý về nguyên tắc Petrovietnam chỉ định tổng thầu thực hiện gói thầu EPC của Dự án.

Sau đó, ngày 9/4/2009, Petrovietnam phê duyệt kết quả chỉ định thầu, ký thỏa thuận hợp đồng với LILAMA - Tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng trước thuế là 1,17 tỷ USD theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói.

Ngày 11/12/2009, Petrovietnam đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 1 của Dự án với giá trị 29.509,7 tỷ đồng, tương đương 1,5951 tỷ USD.

LILAMA cũng đã ký hợp đồng thầu phụ với 3 đơn vị trong nước là Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam cho toàn bộ các hạng mục xây dựng của Dự án, với tổng giá trị 3.198 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, các đơn vị đã huy động tối đa nguồn lực để triển khai, đảm bảo đáp ứng các mốc tiến độ ban đầu của Dự án. Tuy nhiên, năm 2010-2013, nền kinh tế trong và ngoài nước biến động lớn, như đơn giá nhân công tăng ít nhất 1,5 lần, giá nhiên liệu như than tăng hơn 2 lần, dầu FO tăng 2,3 lần...

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước lần đầu đảm nhiệm dự án lớn có quy mô phức tạp, không lường hết phạm vi công việc, nên cũng liên tục báo cáo, kiến nghị hỗ trợ chi phí phát sinh, thậm chí có nhà thầu phụ đã phải bỏ dự án.

Với thực trạng đó, việc có những chủ trương của cấp thẩm quyền về phạm vi công việc, khối lượng, chi phí phát sinh để hoàn thành hay tạm ứng cho nhà thầu là rất cần thiết, bởi nếu không, Dự án sẽ gặp khó khăn trong thi công, tiến độ bị kéo dài. Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu đã cùng kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ khó khăn.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ liên quan, Bộ Xây dựng đã có Văn bản 2060/BXD-KTXD, ngày 21/11/2012, “chấp thuận chủ trương giải quyết phát sinh chưa lường hết của nhà thầu thi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và giao Hội đồng Thành viên Petrovietnam xem xét, quyết định giá trị thanh toán phát sinh chưa lường hết cho các nhà thầu trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công, khối lượng thực tế triển khai được chủ đầu tư phê duyệt, dự toán phát sinh được các đơn vị tư vấn có chức năng lập, thẩm tra với điều kiện không vượt quá giá trị tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt”.

Tiếp đó, Hội đồng Thành viên Petrovietnam đã có nghị quyết, trong đó chấp thuận chi phí phát sinh chưa lường hết và tạm ứng đối với các hạng mục xây dựng đã thi công được nghiệm thu để có nguồn kinh phí tiếp tục triển khai Dự án.

Petrovietnam cũng đã yêu cầu tư vấn lập và thẩm tra, hoàn thiện dự toán chi phí phát sinh. Theo kết quả dự án lập tại thời điểm tháng 9/2014, tổng giá trị phát sinh chưa lường hết phần xây dựng là 1.176,76 tỷ đồng.

Để có cơ sở phê duyệt tổng mức đầu tư hiệu chỉnh và điều chỉnh Hợp đồng EPC, Petrovietnam đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lần 2 tổng mức đầu tư Dự án và Chính phủ đã giao Bộ Công thương thẩm định vấn đề này.

Trên cơ sở báo cáo của Petrovietnam và báo cáo thẩm định của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 1823/TTg-KTN ngày 14/10/2015, đồng ý kiến nghị của Bộ Công thương tại Báo cáo kết quả thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh. Bộ Công thương chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, chỉ đạo Petrovietnam thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh hợp đồng EPC và tổng mức đầu tư điều chỉnh theo quy định.

Petrovietnam đã phê duyệt tại Quyết định số 1429/QĐ-DKVN ngày 14/3/2016 về tổng mức đầu tư hiệu chỉnh lần 2 của Dự án với giá trị là 33.576 tỷ đồng và đã ký Phụ lục hợp đồng EPC với các hạng mục bổ sung ngoài hợp đồng, như kho than kéo dài, bể nước sạch và nhà bơm…

Dẫu vậy, vẫn còn các phát sinh chưa lường hết của Hợp đồng EPC, gồm phát sinh chưa lường hết của phần xây dựng là 1.176,76 tỷ đồng, phát sinh chưa lường hết phần lắp đặt là 520,11 tỷ đồng chưa được Petrovietnam và LILAMA ký hợp đồng EPC điều chỉnh.

Tuy nhiên, Petrovietnam cũng đã thực hiện tạm ứng cho các nhà thầu 1.108,46 tỷ đồng, gồm 865,64 tỷ đồng phần xây dựng và 242,82 tỷ đồng phần lắp đặt để nhà thầu có khả năng tiếp tục huy động nguồn lực thi công Dự án đúng tiến độ.

Nhờ đó, Dự án đã đi vào vận hành thương mại Tổ máy 1 từ ngày 31/12/2014 và Tổ máy 2 ngày 12/5/2015.

Trên thực tế, chi phí phát sinh phần xây dựng sau khi rà soát, chuẩn xác nhiều lần, chốt ở con số 980,95 tỷ đồng, thấp hơn giá trị trong tổng mức đầu tư hiệu chỉnh lần 1 được phê duyệt là 1.176,76 tỷ đồng.

Chờ hướng dẫn

Trong khi Petrovietnam hoàn thiện thủ tục để phê duyệt dự toán chi phí phát sinh chưa lường hết và đàm phán ký kết phụ lục Hợp đồng EPC, thì Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến tại Văn bản 395/KTNN-TH ngày 5/9/2016.

Theo đó, “phát sinh chưa lường hết phần lắp đặt và các hạng mục xây dựng còn lại (ngoài phạm vi Văn bản số 2060/BXD-KTXD nêu trên) chưa được cấp có thẩm quyền (Chính phủ) phê duyệt” và yêu cầu “Petrovietnam phê duyệt dự toán phát sinh khối lượng chưa lường hết theo quy định của Hợp đồng EPC và các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh Hợp đồng EPC”.

Sau khi nhận được văn bản này, tháng 2/2017, Petrovietnam đã báo cáo Thủ tướng chính phủ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận: “Hội đồng Thành viên Petrovietnam căn cứ quy định của Hợp đồng EPC đã ký và quy định của pháp luật để giải quyết và tự chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, Petrovietnam cho rằng, theo quy định của pháp luật và quy định của Hợp đồng EPC thì việc điều chỉnh giá Hợp đồng EPC trọn gói vượt thẩm quyền của Petrovietnam, nên lại tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2017 và tháng 8/2017.

Dẫu vậy, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Petrovietnam căn cứ quy định của hợp đồng EPC đã ký và các quy định của pháp luật để điều chỉnh hợp đồng EPC.

Vào ngày 12/5/2022, Petrovietnam lại có báo cáo kiến nghị Chính phủ chấp thuận và giao cho Petrovietnam phê duyệt chi phí phát sinh chưa lường hết Hợp đồng EPC do các nhà thầu trong nước đã thực hiện tại Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo nguyên tắc/phương pháp xác định đã được các đơn vị tư vấn lập, thẩm tra, Petrovietnam rà soát và Bộ Công thương thẩm định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đề nghị tiếp theo là giao Petrovietnam chịu trách nhiệm điều chỉnh Hợp đồng EPC dự án, làm cơ sở quyết toán dự án theo nguyên tắc đảm bảo không vượt quá giá trị tương ứng trong tổng mức đầu tư hiệu chỉnh lần 2 của Dự án.

Về phía mình, Bộ Công thương cho rằng, pháp luật hiện hành không quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh giá Hợp đồng EPC đã ký của các doanh nghiệp. Các vấn đề mà Petrovietnam đề nghị cũng đã được Chính phủ nêu rõ rằng, Hội đồng Thành viên Petrovietnam căn cứ quy định pháp luật và Hợp đồng EPC để giải quyết. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng, đối chiếu với Bộ luật Dân sự và Hợp đồng EPC đã ký, Petrovietnam và LILAMA là hai chủ thể của hợp đồng EPC đã ký có trách nhiệm đàm phán, tự quyết định giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, điều chỉnh, quyết toán hợp đồng theo đúng quy định của Hợp đồng EPC và quy định của pháp luật.

Với các bộ, ngành được lấy ý kiến, ngày 18/8/2022 là thời hạn để góp ý kiến để Bộ Công thương tổng hợp và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW (2 x 600 MW) đã đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 từ ngày 31/12/2014 và Tổ máy số 2 từ ngày 12/5/2015. Tính từ khi được công nhận vận hành thương mại (ngày 1/1/2015) đến hết ngày 30/6/2022, Nhà máy đã phát được 38,91 tỷ kWh điện.

Với sự có mặt của nhà máy này, nguồn cung điện của miền Bắc vốn đang rất khó khăn đã được hỗ trợ không nhỏ.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hòa lưới điện quốc gia Tổ máy số 2
 Vào lúc 20h30' tối ngày 10/11, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chính thức phát điện thành công tổ máy số 2 lên lưới điện quốc gia.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư