Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều đại biểu lo đất nhiễm mặn do cát biển đắp nền cao tốc
Anh Minh - 04/06/2024 10:19
 
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp hạn chế hệ luỵ có thể xảy ra từ việc sử dụng cát biển đắp nền đường cao tốc.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay  đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi.

Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định. Đối với chất vấn đại biểu về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ GTVT trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Thực hiện chỉ đạo nói trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.

Về lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Chia sẻ lo lắng của đại biểu Đặng Bích Ngọc, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng nêu hiện tượng về một số khu vực đất trồng lúa bị mất mùa có thể do đơn vị thi công đường cao tốc sử dụng cát có độ mặn cao làm nền đường gây xâm nhập mặn.

“Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp hạn chế hệ luỵ của việc sử dụng cát biển làm vật liệu thi công đường cao tốc, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, đại biểu Hoà nêu vấn đề.

Đối với câu hỏi của đại biểu Hoà, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết là sẽ cho kiểm tra kỹ và trả lời bằng văn bản tới đại biểu.

Trước đó, Bộ GTVT thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ GTVT, Cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “Nền đường - thi công và nghiệm thu”.

Báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm.

Tuy nhiên do Dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ.

Vì vậy, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.

Bộ GTVT thông báo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông
Việc sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt chỉ nên sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư