Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhiều đại gia tiếp tục “bơm” vốn cho thương mại điện tử
Bảo Minh - 13/05/2018 12:26
 
Với quy mô doanh thu lên đến 10 tỷ USD trong 4 năm tới, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được nhiều doanh nghiệp xem là thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực để đẩy mạnh đầu tư.

Đại gia bơm tiền

Trong lễ kỷ niệm 6 năm có mặt tại thị trường Việt Nam của Lazada, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc giải pháp kinh doanh thương hiệu thông báo: “Sau 6 năm, Lazada Việt Nam tăng trưởng với tốc độ năm sau gấp đôi năm trước. Website thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng. Có hơn 2 triệu sản phẩm thuộc 16 ngành hàng đến từ 120 gian hàng chính hãng và hàng ngàn nhà bán hàng, mang đến trải nghiệm mua sắm không giới hạn cho người tiêu dùng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hậu cần của Lazada cũng được đầu tư với 4 nhà kho lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và 43 trung tâm giao nhận trên khắp cả nước”.

.
.

Dự kiến, trong năm 2018, Lazada sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực logistics, con số đầu tư cụ thể không được tiết lộ, nhưng bắt đầu từ tháng 6/2018, Lazada sẽ đưa thêm 50 xe điện vào giao hàng ở các quận trung tâm TP.HCM và Hà Nội, nơi có mật độ khách hàng cao, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chuyển phát, tiến tới giảm thời gian giao hàng và chủ động trong việc giao nhận để đón đầu xu thế phát triển TMĐT đang gia tăng tại Việt Nam. 

Bên cạnh Lazada, dù mới xuất hiện tại thị trường chưa đầy 2 năm nhưng Shopee - nền tảng mua sắm trên thiết bị di động với chủ đầu tư là Garena có trụ sở ở Singapore, cũng có sự tăng trưởng khá mạnh. Tính đến nay, ứng dụng Shopee có 40 triệu lượt tải về ở 7 thị trường, tổng giá trị đơn hàng (GMV) đạt 3 tỷ USD. Riêng tại thị trường Việt Nam, dù không chia sẻ con số cụ thể, nhưng theo ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, Công ty đang nằm trong Top 3 các sàn thương mại điện tử có số lượng đơn hàng trung bình cao nhất.

Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Thị trường TMĐT Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu mới nhất, Lazada và Shoppe là 2 sàn thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên thị trường trực tuyến. 

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, TMĐT là một trong những nhân tố thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, riêng trong năm 2017 đã có 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực TMĐT với tổng giá trị 83 triệu USD. Trong đó, riêng Tiki đã nhận khoản vốn đầu tư vòng Series C lên tới 54 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com và STC Investment. Phát biểu trước truyền thông, ông Winston Cheng, Chủ tịch của JD.com khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam, JD và Tiki cùng chia sẻ chung một triết lý kinh doanh, đó là giành thị phần bằng cách chiếm được cảm tình của khách hàng.

Thị trường nhiều tiềm năng

Lý giải cho việc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư đều đưa ra nhận định chung, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 22% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Đáng chú ý, một số lĩnh vực đang có sự tăng tốc cao như bán lẻ trực tuyến, theo thông tin từ hàng ngàn website TMĐT, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62 - 200%.

Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) công bố gần đây, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ. BSA đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x...

Hiện quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong 4 năm tới, con số này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận, TMĐT tại Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp với thương mại điện tử
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư