Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nhiều giải pháp đảm bảo hiệu quả tín dụng chính sách
N.D - 12/04/2019 20:47
 
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn chính sách được Chính phủ giao và nguồn vốn nhận ủy thác trong năm 2019.
Tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019 cho NHCSXH. Theo đó, kế hoạch năm 2019, dư nợ tín dụng của NHCSXH khoảng 13.211 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018.

Như vậy, cùng với nguồn vốn cấp của các chương trình tín dụng từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, tổng mức tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đến ngày 31/12/2019 lên khoảng 204.000 tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo hiệu quả các nguồn vốn chính sách nói trên, ngay từ đầu năm, NHCSXH đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào các những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. NHCSXH tiếp tục công tác tăng cường nguồn lực, quan tâm tới nguồn vốn nhận ủy thác của các địa phương, công tác huy động vốn của tổ chức, cá nhân, nhất là huy động tiền gửi tại các điểm giao dịch xã. Đồng thời, tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp thực tiễn hoạt động.

Ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. NHCSXH sẽ báo cáo tham mưu Chính phủ, Văn Phòng Trung ương Đảng và Ban Kinh tế Trung ương để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong năm 2019, NHCSXH tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, để chuẩn bị cho công tác tổng kết thực hiện Chiến lược và xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo.

Được biết, trong năm 2018, NHCSXH đã thực hiện xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở.

Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được trên 194.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ủy thác các địa phương chuyển sang để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 11.809 tỷ đồng. Từ đó, cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 187.000 tỷ đồng, với gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Đến nay, sau 16 năm hoạt động, NHCSXH đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 568.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13.000 căn nhà phòng tránh bão lụt cho các tỉnh miền Trung; trên 118.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Hoạt động của NHCSXH đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra, tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, giúp vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, trong khi chất lượng và hiệu quả tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Năm 2019, kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội là 8%
Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư