Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều hệ lụy khi bị rối loạn giấc ngủ kéo dài
D.Ngân - 26/09/2023 13:58
 
Rối loạn giấc ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ trầm cảm, sang chấn tâm lý. Tỷ lệ bệnh nhân mắc rối loạn giấc ngủ khám mỗi ngày đông hơn tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Huệ, Khoa Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, số lượng bệnh nhân gặp rối loạn giấc ngủ tới viện khám khá cao trong thời gian gần đây.

Rối loạn giấc ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ trầm cảm, sang chấn tâm lý.

Rối loạn giấc ngủ (hay rối loạn thức-ngủ) liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng rối loạn giấc ngủ gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Phụ nữ phàn nàn về giấc ngủ nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.

Theo bác sĩ Huệ, một người được chẩn đoán bị mất ngủ khi tình trạng này xuất hiện ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, tồn tại ít nhất là 3 tháng.

Đồng thời, cũng phải loại trừ các nguyên nhân gây mất ngủ khác như do sử dụng các chất tác động tâm thần, hay hậu quả của một bệnh tâm thần khác.

Các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mất ngủ thì cần xác định phải điều trị lâu dài, như một bệnh mãn tính. Còn nếu nó là triệu chứng của các bệnh khác thì phải điều trị bệnh gốc.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường, Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia khuyến cáo, buổi trưa chúng ta không nên ngủ quá 30 phút; tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định; chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường. Điều này giúp não bộ tạo mối liên hệ giữa giấc ngủ và giường.

Mọi người không ăn quá no, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán; Cố gắng ăn uống trước 3 tiếng trước khi đi ngủ. Tránh chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia;

Tránh xem tivi, điện thoại, thậm chí nhiều người rối loạn giấc ngủ đến mức ngay cả tiếng chuông tin nhắn điện thoại cũng gây khó ngủ, do đó cần để điện thoại xa khu vực giường ngủ.

Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền. Thể dục thường xuyên hằng ngày cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đến gặp chuyên gia để loại trừ các bệnh lý về tâm thần. Mất ngủ không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm.

Ngoài rối loạn giấc ngủ thì mất ngủ là một than phiền chủ quan của người mắc về giấc ngủ: ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không tốt, nghĩa là khi ngủ dậy người ta vẫn cảm thấy sức khỏe thể chất và tinh thần không hồi phục, cảm giác uể oải, mệt mỏi, còn buồn ngủ.

Tùy từng trường hợp có thể biểu hiện bởi tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn.

Tỷ lệ mất ngủ chiếm khoảng 10-15% trong dân số, trong đó mất ngủ tạm thời thường gặp nhất. Tỷ lệ mất ngủ tăng dần theo tuổi và tỷ lệ nữ gấp đôi nam.

Được biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. 

Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số;

Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

Theo chuyên gia, xã hội phát triển, các khủng hoảng tâm lý cũng tăng lên theo nhịp độ cuộc sống. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và chính bản thân trẻ coi việc thừa nhận mình có vấn đề tâm lý, phải đến các phòng khám là điều đáng xấu hổ.

Rất ít phụ huynh hiểu biết về bệnh tâm lý; đa số phụ huynh không tin, không hiểu con đang gặp vấn đề. Các em không nói chuyện được với phụ huynh chủ yếu do khoảng cách gây nên bởi áp lực gia đình. 

Nhiều em rạch cổ tay đầy sẹo; thế nhưng dù bác sĩ kê đơn, phụ huynh vẫn không chấp nhận, cho rằng trẻ đang ở tuổi dậy thì, thích thể hiện, làm quá lên. Hoặc có khi phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ nhưng trẻ lại không hiểu tình trạng của mình. 

Thường bác sĩ phải dặn phụ huynh nói với con đây chỉ là buổi tư vấn, trò chuyện bình thường, vì nếu nói đi khám tâm lý thì các em không hợp tác.

TS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, nhiều bậc phụ huynh cũng coi những biến đổi tâm lý của trẻ em nhiều khi là do phản ứng thái quá vì căng thẳng hoặc cho rằng đó là tâm lý tuổi dậy thì, đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng thì can thiệp quá muộn. 

Việc phát hiện, điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh. “Chúng ta cần phải đặt vào vị trí của các em nhỏ, đừng áp đặt tâm lý của người lớn lên trẻ em. Chúng tôi mong muốn được đồng hành với các gia đình và nhà trường, bảo đảm các em có sự phát triển hoàn hảo khi trưởng thành”, TS. Loan cho biết.

Cựu thư ký Phạm Trung Kiên: Ám ảnh án tử, phải điều trị rối loạn tâm thần
Khai nhận hành vi nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng, bị cáo Phạm Trung Kiên nói “bị ám ảnh về mức án tử hình”, phải điều trị rối loạn tâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư