Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
“Nhiều lợi ích lớn trong việc triển khai tín dụng xanh”
Nhuệ Mẫn - 11/06/2015 09:31
 
Đây là một trong những điểm chính được ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
.
ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).

Thưa ông, việc triển khai tín dụng xanh/quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng hiện diễn biến ra sao?

Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước đã và đang triển khai các sản phẩm tín dụng xanh như cho vay tiết kiệm năng lượng, cho vay năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, định hướng chiến lược về tín dụng xanh và quản lý các tác động đến môi trường, xã hội của các danh mục tín dụng chưa được thực hiện đồng bộ ở các TCTD trong nước.

Thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho mọi TCTD tại Việt Nam. 

Ngành ngân hàng xác định phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và cộng đồng. Đây là cơ hội, là hướng đi tất yếu của các TCTD trong nước và nước ngoài.

Các ngân hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc triển khai Chỉ thị 0303/CT-NHNN?

Thứ nhất, mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường, củng cố mạng lưới khách hàng hiện có và thu hút khách hàng mới.

Thứ hai, cải thiện chất lượng danh mục tín dụng nhờ xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng và rủi ro tài sản đảm bảo của từng khoản vay do các vấn đề về môi trường và xã hội tạo nên.

Thứ ba, nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu của TCTD.

Thứ tư, mở ra cơ hội hợp tác, thu hút nguồn lực và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo ông, đâu là khó khăn và thuận lợi trong việc triển khai tín dụng xanh/quản lý rủi ro môi trường và xã hội?

Tín dụng xanh được nhìn nhận trên hai giác độ.

Một là, cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh như phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường; công nghiệp xanh; nông nghiệp xanh; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường….

Hai là, quản lý rủi ro môi trường và xã hội của các khoản cho vay.

Các TCTD cũng có thể từ chối hợp tác với những khách hàng mới, nếu họ  không cam kết tuân thủ hoặc không có khả năng tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của TCTD. Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ về các vấn đề tương đối mới này, đặc biệt là khối chăm sóc khách hàng và thẩm định tín dụng sẽ là việc TCTD phải làm ngay trong giai đoạn đầu triển khai Chỉ thị này.

Theo ông, kinh nghiệm quốc tế để triển khai thành công tín dụng xanh là gì?

Thực tiễn quốc tế cho thấy, việc triển khai thành công các chính sách/chương trình tín dụng xanh hay không phụ thuộc nhiều vào bản thân các TCTD. Các chương trình ưu đãi của Chính phủ thường có ý nghĩa ở giai đoạn đầu. Các TCTD phải thấy được lợi ích kinh tế trong triển khai quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các quy trình thẩm định và ra quyết định tín dụng, trong triển khai các sản phẩm tín dụng sáng tạo mới. Từ đó, coi phát triển xanh là mục tiêu chiến lược của tổ chức mình.

Việc 80 ngân hàng thương mại trên thế giới cam kết tự nguyện thực hiện Nguyên tắc Xích đạo (một khuôn khổ quản lý rủi ro tín dụng để xác định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động tài trợ dự án) có thể trả lời phần nào cho câu hỏi lợi ích kinh tế trong triển khai quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng và đầu tư.

Vì vậy, khả năng để triển khai thành công là phải có chuyển biến tích cực và toàn diện trong nhận thức; phải có quy trình và khung pháp lý; phải có nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án.

Để đẩy mạnh chương trình tín dụng xanh tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đóng vai trò gì?

Với tinh thần của Chỉ thị 03/CT-NHNN, trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong thời gian tới, dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch của ngành ngân hàng gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể… nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan để tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và năng lực nhằm hỗ trợ các TCTD thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh.

Khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh
Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư