Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 07 năm 2025,
Phát hành trái phiếu tháng 6/2025 cao kỷ lục, ngân hàng chiếm 80% lượng phát hành
Thùy Liên - 04/07/2025 15:43
 
Tháng 6/2025 chứng kiến quy mô phát hành trái phiếu hàng tháng cao nhất kể từ năm 2022, đạt 94.000 tỷ đồng (tăng 36% so với tháng trước), với hơn 80% từ các đợt phát hành từ các ngân hàng.

Theo dữ liệu của Vis Rating, tất cả lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 6 đều là phát hành riêng lẻ, trong đó 80% do các ngân hàng thương mại phát hành. Tính tới cuối tháng 6/2025, tổng lượng trái phiếu đang lưu hành đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước.

Đến cuối tháng 6/2025, các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, MBBank, Techcombank) đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch trái phiếu của năm 2025.

Trong khi đó, theo cập nhật của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, tính từ đầu năm tới ngày công bố thông tin 4/7/2025, giá trị phát hành trái phiếu phát hành khoảng 257.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng trái phiếu ngân hàng phát hành là hơn 187.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73% và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.  

Thông tin của VIS Rating cho biết, tháng 6/2025, có 4 trái phiếu vỡ nợ lần đầu, bao gồm 2 trái phiếu vỡ nợ lần đầu khi thanh toán coupon và 2 trái phiếu vỡ nợ khi thanh toán gốc.

“Chúng tôi đánh giá rằng 22 trong số 35 trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 năm 2025 có hồ sơ tín dụng yếu. Trong số này, 8 trái phiếu đã vỡ nợ”. 

Điểm tích cực là tỷ lệ thu hồi chung toàn thị trường trái phiếu đã tăng đáng kể 2,3% lên 34,1% so với tháng trước. Trước đó, cuối tháng 6/2025, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh toán tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng (tương đương 24,81% mệnh giá) cho các chủ trái phiếu của 25 mã trái phiếu do bốn công ty liên kết với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành.

Vis Rating cho rằng, đây là một diễn biến tích cực cho các chủ trái phiếu. Việc tòa án pháp lý thực thi quyền của chủ trái phiếu tạo tiền lệ để củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Trong 12 tháng tới, chúng tôi ước tính rằng khoảng 222.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Trong số đó, 44% được phát hành bởi các tổ chức phát hành có hồ sơ tín dụng yếu hoặc dưới mức và 92 trái phiếu có giá trị khoảng 50.000 tỷ đồng liên quan đến trái phiếu được gia hạn ngày đáo hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong giai đoạn 2023 - 2025, chủ yếu là để khắc phục thách thức về thanh khoản và tránh vỡ nợ”, chuyên gia phân tích Vis Rating nhận định.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2025, công ty không đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tổng nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, quy định mới chỉ tác động ngắn hạn đối với nhóm doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn vay, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, việc siết tỷ lệ đòn bẩy sẽ rất tích cực tới thị trường, cũng như hoạt động cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

“Lâu nay, các doanh nghiệp bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao, thời gian hoàn vốn dài và phụ thuộc lớn vào kênh trái phiếu riêng lẻ. Với quy định mới, các doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại chiến lược huy động vốn theo hướng bền vững hơn”, ông Huy nhận định.

Theo các chuyên gia phân tích, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không còn dễ dãi như trước, doanh nghiệp buộc phải tìm nhiều con đường khác để huy động vốn như phát hành trái phiếu ra công chúng, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), bán vốn, vay vốn ngân hàng... Tất cả các kênh huy động vốn này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải củng cố sức mạnh tài chính, hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, việc siết quy định về đòn bẩy khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng nhằm hạn chế rủi ro thanh toán trái phiếu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Quy định mới không gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mà vẫn đảm bảo quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ sửa đổi 4 nghị định liên quan đến phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán (bổ sung các quy định xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), xếp hạng tín nhiệm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư