Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác với Petrovietnam về điện gió ngoài khơi
Thanh Hương - 01/05/2022 17:15
 
AES, CIF hay RENOVA đã có những hành động cụ thể nhằm cùng Petrovietnam phát triển điện gió ngoài khơi.

Công ty con guồng chân

Cách đây ít ngày, một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với RENOVA (Nhật Bản).

Cụ thể, PTSC và RENOVA sẽ thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động thăm dò, chuẩn bị, khảo sát ngoài khơi, phát triển, xây dựng, thi công, vận hành và bảo trì dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu thương mại hóa.

Đại diện PTSC tại lễ ký trực tuyến
Đại diện PTSC tại lễ ký trực tuyến.

Lễ ký kết được tiến hành theo nghi thức đặc biệt tại Diễn đàn công - tư của Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tăng trưởng xanh châu Á (Asia Green Growth Partnership Ministerial Meeting - AGGPM) do chính phủ Nhật Bản tổ chức, như một hành động hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại khu vực châu Á theo Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (Asia Energy Transition Initiative - AETI) của chính phủ Nhật Bản công bố hồi tháng 5/2021).

Được biết tới là nhà phát triển năng lượng tái tạo độc lập, sản xuất sở hữu và vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời, sinh khối, gió và nhà máy địa nhiệt điện, RENOVA hiện có đầu tư tại Việt Nam thông qua 3 dự án điện gió tại Quảng Trị.

Ông Yosuke Kiminami, Chủ tịch sáng lập kiêm CEO của RENOVA cho biết, rất vui trước mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với PTSC - một doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến để xây dựng các công trình ngoài khơi ở Việt Nam, nơi dự kiến sẽ tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Về phía mình, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho hay, RENOVA là công ty có chuyên môn trong việc phát triển tổng thể các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả kỹ thuật và tài chính. PTSC sẽ cùng với RENOVA hướng tới mục tiêu thương mại hóa dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Việc ký Bản ghi nhớ hợp tác với RENOVA để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là một trong những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa chính sách phát triển theo hướng chuyển dịch đầu tư và cung cấp dịch vụ sang lĩnh vực năng lượng xanh, phù hợp chiến lược phát triển và ngành nghề kinh doanh đã được PTSC đặt ra hồi cuối năm 2021.

Việc tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi sẽ là mắt xích cuối cùng để hoàn thiện chuỗi giá trị của một dự án điện gió chuyên nghiệp bao gồm: Khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, góp phần đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của PTSC khi vòng đời của một dự án điện gió ngoài khơi kéo dài từ 25 - 30 năm cũng như tạo doanh thu, việc làm ổn định cho PTSC một thời gian dài trong bối cảnh suy giảm các dự án dầu khí mới trong nước và khu vực.

Tập đoàn mẹ dồn bước

Không chỉ có doanh nghiệp con quan tâm tới lĩnh vực điện gió ngoài khơi mà trên tổng thể, Petrovietnam cũng đang coi đây là một hướng đi mới trong quá trình phát triển của mình.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển của Tập đoàn, bên cạnh lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo cũng là một trong những định hướng phát triển của Petrovietnam.

Hiện phát triển năng lượng tái tạo là một trong những định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết không phát thải ròng (net-zero) vào năm 2050. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng dự kiến phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi từ nay tới năm 2030.

“Với kinh nghiệm nhiều năm trong các hoạt động ngoài khơi cùng tiềm năng, lợi thế của mình, Petrovietnam tin tưởng sẽ được Chính phủ tin cậy giao phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới. Để thực hiện các dự án này, Petrovietnam mong muốn được hợp tác, trao đổi thông tin với các đối tác có kinh nghiệm, khả năng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”, ông Vượng nói.

Trước thực tế nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước đã không ngần ngại bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài dù nhận được những ưu đãi nhanh để phát triển lĩnh vực họ tham gia, việc Petrovietnam có vị thế của một doanh nghiệp nhà nước lớn trong hoạt động ngoài khơi chắc chắn khiến các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam không thể bỏ qua.

Gần đây nhất, Quỹ Thị trường mới của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đã bày tỏ mối quan tâm về hợp tác cùng Petrovietnam trong phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Lãnh đạo Petrovietnam và CIP trao đổi về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi. ảnh: Petrotimes
Lãnh đạo Petrovietnam và CIP trao đổi về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: Petrotimes

CIP được thành lập từ năm 2012 và là nhà đầu tư và phát triển dự án hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Khi mới thành lập, CIP tập trung đầu tư ở các nước phát triển.

“Hiện nay CIP đang mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển và Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm của tập đoàn này tại châu Á trong thời gian tới”, ông Niels Holst, Giám đốc Quản lý của CIP cho hay.

Với vai trò, vị thế là doanh nghiệp năng lượng hàng đầu Việt Nam, đặc biệt có lợi thế trên các công trình ở ngoài biển nên lãnh đạo CIP mong muốn sẽ được hợp tác với Petrovietnam trong các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Cũng không chỉ có CIP, trước đó AES (Hoa Kỳ) đã bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với PVN trong các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo ông Bernerd Da Santos, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES, tập đoàn này đã ký thỏa thuận liên doanh hợp tác nhằm phát triển dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với PV Gas vào cuối năm 2021. Đây là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển nguồn năng lượng LNG của Việt Nam, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm phát thải tại Việt Nam phù hợp với cam kết tại Hội nghị COP26.

Trên cơ sở những hợp tác đã có, AES mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của PVN trong triển khai các hoạt động tại Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi.

Nguy hiểm khi đăng ký “xếp gạch” dự án điện gió ngoài khơi
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công thương cập nhật dự kiến dành 5.000 MW công suất đầu tư mới cho điện gió ngoài khơi tới năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư