Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nguy hiểm khi đăng ký “xếp gạch” dự án điện gió ngoài khơi
Thanh Hương - 22/12/2021 08:58
 
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công thương cập nhật dự kiến dành 5.000 MW công suất đầu tư mới cho điện gió ngoài khơi tới năm 2030.
Điện gió ngoài khơi hiện là lĩnh vực đầu tư có điều kiện

Đua nhau đề xuất

Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, tới nay, Bộ đã nhận được đề xuất đầu tư nhà máy điện mới công suất lên tới 550.000 MW của các địa phương. Đáng chú ý trong số này là đề nghị đầu tư điện gió ngoài khơi lên tới 129.000 MW.

Trong số các địa phương mạnh dạn đề xuất làm điện gió ngoài khơi phải kể tới Bình Thuận, với đề nghị 8 dự án với quy mô hơn 22.000 MW. Không thua kém, Ninh Thuận đề nghị 21.000 MW điện gió ngoài khơi.

Ở phía Bắc, phải nhắc tới TP. Hải Phòng, với đề xuất dự án điện gió ngoài khơi có quy mô 3.900 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 261.000 tỷ đồng; Quảng Ninh đề xuất 3.000 MW điện gió ngoài khơi; Thái Bình đề xuất khoảng 8.000 MW điện gió ngoài khơi của 2 dự án; Nam Định đề nghị bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi theo 4 giai đoạn...

Ở phía cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau đề nghị bổ sung 6 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 8.500 MW và 18 dự án điện gió gần bờ với tổng công suất là 3.518 MW vào Quy hoạch Điện VIII…

Lý giải phần nào sự đổ bộ mạnh mẽ vào điện gió của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay, với hơn 3.200 km bờ biển, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn.

Theo ông An, với cam kết đạt net zero (phát thải carbon dioxide bằng không) vào năm 2050 của Việt Nam, sắp tới sẽ có lộ trình chi tiết cho các ngành, trong đó có năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Điện gió ngoài khơi với những ưu điểm như nói trên được rất nhiều người kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, đóng góp cho cam kết net zero.

Bộ Công thương dự báo, trong những năm tới, khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, tăng trưởng về điện sẽ ở mức cao. Thực tế phát triển điện ở Việt Nam thời gian vừa qua cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng.

“Bộ Công thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trong đó dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng lên 40.000 MW vào năm 2045”, ông An cho biết. Cũng theo ông An, nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép, có thể phát triển điện gió ngoài khơi nhiều và sớm hơn nữa.

Hiện thực hóa đến đâu?

Ông An cũng lưu ý, cơ hội luôn đi kèm thách thức, bởi điện gió ngoài khơi là vấn đề mới, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách; phải đáp ứng được mục tiêu đủ điện cho người dân với chi phí hợp lý.

Chia sẻ về thực tế đăng ký 129.000 MW, cao gấp 26 lần so với con số 5.000 MW điện gió ngoài khơi dự kiến đưa vào Quy hoạch Điện VIII, ông Nguyễn Bình, chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng, việc chọn ra được những dự án phù hợp, vừa đáp ứng được nhu cầu của những nơi cần điện, lẫn có chi phí hợp lý và cạnh tranh chắc chắn sẽ tốn nhiều công sức của các bên liên quan.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang hợp tác với các đối tác nước ngoài có tên tuổi trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, lãnh đạo Tập đoàn T&T Group nhận xét, một số nhà đầu tư nước ngoài lớn làm bài bản, kỹ càng, như khi đề xuất với các tỉnh và Chính phủ, họ đề xuất luôn công suất bao nhiêu, tọa độ nào, phạm vi nào ở ngoài khơi. Để làm được vậy, họ đã khảo sát nhiều thông số từ vệ tinh để xác định vị trí khả thi của dự án.

Trên thực tế hiện nay, có thể thấy rõ tình trạng “xếp gạch” khi đăng ký đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Có địa phương đã có doanh nghiệp đăng ký kiểu khoanh hết phạm vi biển, khiến nhà đầu tư khác muốn tìm hiểu cũng không có cơ hội.

“Đăng ký kiểu “xếp gạch” này rất nguy hiểm vì không có tọa độ, nên khi khảo sát thật chưa chắc hiệu quả, khiến quy hoạch trở thành không khả thi, lãng phí cơ hội”, lãnh đạo Tập đoàn T&T nhận xét.

Ở một khía cạnh khác, điện gió ngoài khơi hiện là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Dù hiện tại, các cơ quan chuyên ngành không đưa ra điều kiện riêng biệt nào, thì cũng không có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ thoải mái phát triển như mình muốn.

“Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án lớn, phức tạp, trong những ngành mới xuất hiện ở Việt Nam, thì chắc chắn, họ muốn nắm trên 51%. Tuy nhiên, rất có thể, sau này, họ lại muốn chuyển nhượng phần vốn của mình vì nhiều lý do. Bởi vậy, khi chấp nhận các dự án điện gió ngoài khơi cụ thể, các vấn đề như an ninh biển đảo, an ninh năng lượng, chuyển nhượng cho đối tác khác phải được cân nhắc kỹ và cần đưa điều kiện ngay từ đầu”, đại diện T&T Group chia sẻ.

Nam Định xin bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch
UBND tỉnh Nam Định đã đề nghj Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định vào Quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư