Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều nhà thầu giao thông “đỗ vớt”
Anh Minh - 03/06/2013 07:37
 
Tỷ lệ nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng được yêu cầu ngay cả khi đã được Bộ Giao thông - Vận tải “căn chỉnh” lại vẫn chiếm tới 13%.
TIN LIÊN QUAN

Nhà thầu Posco (một trong 287 nhà thầu đáp ứng yêu cầu) thi công Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: A.M

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông vừa ký Quyết định số 1403/QĐ - BGTVT điều chỉnh bổ sung kết quả thực hiện năm 2012 của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

Cụ thể, sau khi “chấm phúc khảo”, Bộ GTVT nâng hạng cho 6 nhà thầu từ chưa đáp ứng yêu cầu lên đáp ứng yêu cầu, gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng); Tổng công ty Xây dựng Thành An (Bộ Quốc phòng); Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Vinaconex (Bộ Xây dựng); Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông 1; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình giao thông Phương Thành.

“Đã có những sai sót, nhầm lẫn nhất định từ phía các chủ đầu tư trong đánh giá năng lực các nhà thầu này”, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Ngược lại, Bộ GTVT cũng giáng 2 nhà thầu xây lắp khác, gồm Công ty TNHH một thành viên Xây dựng công trình giao thông 892; Công ty cổ phần Xây dựng và lắp máy điện nước số 3 (Coma3), từ đáp ứng yêu cầu xuống chưa đáp ứng yêu cầu.

Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh được cập nhật đánh giá là đáp ứng yêu cầu.

Điều đáng lo ngại là, dù lọt qua các vòng tuyển chọn, nhưng hầu hết nhà thầu nội có năng lực tài chính rất kém, hoạt động chủ yếu bằng vốn tạm ứng của chủ đầu tư. Công tác kiểm soát chất lượng yếu, tổ chức thi công luộm thuộm, thường xuyên để mất an toàn lao động.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, kết quả đánh giá việc thực hiện của nhà thầu xây lắp này sẽ là một trong các thông tin để tham khảo xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

“Đây là một trong những chương trình được Bộ GTVT rốt ráo thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng đầu tư các dự án giao thông”, ông Sanh nói.

Đối với các nhà thầu nằm trong danh sách chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, hoặc nhà thầu có quá 6 lỗi trong 1 gói thầu, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của gói thầu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng bị quy trách nhiệm nếu không sớm “vực dậy” các nhà thầu yếu kém tại công trường.

“Nếu năm tiếp theo nhà thầu bị đánh giá trung bình không cải thiện được tình hình, hoặc bị giáng hạng, chủ đầu tư và ban quản lý dự án sẽ bị xem xét mức độ đáp ứng thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông Đông khẳng định.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có Chỉ thị số 05/TC - BGTVT yêu cầu kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện công tác đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá và công bố kết quả thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp.

Trong đó, Bộ trưởng đã nhắc nhở một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa nghiêm túc, chưa chú trọng công tác đánh giá, thời gian đánh giá chậm, hồ sơ báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu, đánh giá chưa phù hợp theo quy định, gây khó khăn cho việc tổng hợp, đối chiếu hồ sơ báo cáo, kết quả đánh giá của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư