Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều quốc gia phê chuẩn RCEP, "siêu hiệp định" sắp có hiệu lực
Hải Yến - 04/11/2021 11:31
 
Với sự phê chuẩn RCEP của Australia và New Zealand, Hiệp định này đã đáp ứng được điều kiện để tiến gần hơn tới việc có hiệu lực vào đầu năm tới.
Với sự phê chuẩn của Australia, New Zealand, Hiệp định RCEP đang dần tiến tới thời điểm có hiệu lực vào đầu năm 2022.
Với sự phê chuẩn của Australia, New Zealand, Hiệp định RCEP đang dần tiến tới thời điểm có hiệu lực vào đầu năm 2022.

Australia và New Zealand là 2 quốc gia mới nhất vừa tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một trong những điều kiện để Hiệp định này tiến gần tới ngày có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Hôm 1/11, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cùng Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan đã ra tuyên bố chung thông báo về việc nước này phê chuẩn RCEP. Tuyên bố khẳng định, Hiệp định này đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Australia với các quốc gia thành viên ASEAN và cũng là tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của Australia đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trong thông báo ngày 3/11, Bộ trưởng Thương mại và tăng trưởng xuất khẩu New Zealand, ông Phil Twyford cũng cho biết việc New Zealand phê chuẩn RCEP vào ngày 2/11 cùng với Australia đã kích hoạt hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới có hiệu lực và đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của quốc gia này.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là một hiệp định thương mại tự do được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

RCEP được ví như một “siêu hiệp định”, bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế, khi được thực thi, sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu. 

Theo quy định của RCEP, Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và một trong 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn của mình tới Cơ quan lưu chiểu (Tổng Thư ký ASEAN).

Hiện đã có 5 quốc gia ASEAN phê chuẩn hiệp định này gồm Singapore, Brunei, Lào, Campuchia và Thái Lan và 2 nước đối tác là Nhật Bản và Trung Quốc. Như vậy với sự phê chuẩn của Australia và New Zealand, Hiệp định đã đáp ứng được điều kiện để tiến gần hơn tới việc có hiệu lực vào đầu năm tới.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, tất cả các Bộ trưởng đều thông báo cho nhau và khuyến khích các nước ASEAN và các nước đối tác nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định RCEP, cố gắng hướng đến mục tiêu đưa Hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

RCEP đi vào thực thi sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau thời gian dài bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, tiến tới phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư