Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều trăn trở của các doanh nhân xây dựng giao thông
Anh Minh - 12/10/2023 06:25
 
CEO nhiều tập đoàn, công ty giao thông mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là về đơn giá, định mức, nguồn vốn tín dụng để sớm vươn tầm quốc tế trong vai trò kép: nhà thầu và nhà đầu tư.
Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Doanh nghiệp giao thông Việt Nam muốn đủ khả năng cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp mạnh dẫn dắt. Trong đó, các doanh nghiệp lớn phải hợp tác được với nhau thay vì cạnh tranh khốc liệt về giá thầu”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ tại Tọa đàm "Doanh nghiệp ngành GTVT với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế" do Báo Giao thông tổ chức tại Hà Nội, chiều 11/10.

Nỗ lực vươn tầm

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, trong vòng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp giao thông đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu trước đây, các doanh nghiệp chỉ được chỉ định những gói thầu dưới 1 tỷ đồng thì nay, giá trị gói thầu được chỉ định lên tới hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời làm chủ được những công nghệ thi công cầu đường tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, để xây dựng nền tảng vươn tầm quốc tế, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, trước hết các doanh nghiệp xây dựng giao thông phải làm tốt công việc trong nước.

Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam về quản lý chất lượng, tiến độ và chi phí xây dựng; tiếp theo là phấn đấu, quyết tâm từng bước học tập nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế.

Trong khát vọng vươn tầm, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động kết nối các doanh nghiệp cùng ngành nghề theo quan điểm muốn đi xa thì đi cùng nhau, trồng cây, rủ người chăm bón và cùng nhau gặt hái thành quả.

“Ngoài ra khi đến các địa phương chúng tôi xem mình là bộ đội chủ lực phải biết kiết nối doanh nghiệp địa phương để cùng tháo gỡ giải quyết các vướng mắc tại địa phương”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả cũng tăng cường hợp tác, học tập các mô hình tối ưu sản xuất thông qua chương trình làm việc với các đối tác quốc tế như Tập đoàn PTL Holding - doanh nghiệp hàng đầu tại Lào, Công ty Index Strategy, Choudai - Nhật Bản, Công ty lsung Construction - Hàn Quốc, Sany và Powerchina ở Trung Quốc… để sẵn sàng cho chiến lược vươn tầm quốc tế.

Để tạo nền tảng vững chắc, Tập đoàn Đèo Cả luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, đón đầu xu thế Đèo Cả đột phá, phát triển từ tư duy “nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”, nhưng để phát triển bền vững, vươn tầm quốc tế thì phải từ “tri thức tạo ra giá trị”.

Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đào tạo nhiều cấp, nhiều bậc, nhiều lĩnh vực cho toàn hệ thống. Các chương trình Thạc sĩ điều hành cao cấp Executive MBA tại trường Kinh tế Quốc dân dành cho các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn hay đào tạo kỹ năng, nội nghiệp tại công trường cho cán bộ và công nhân là nội dung mà Tập đoàn quan tâm sâu sắc.

Để quản trị và điều hành doanh nghiệp, Tập đoàn Đèo Cả đặt ra 3 mục tiêu chính đó là quản người, quản việc, quản lợi ích. Với con người thì phải tự đào tạo, rèn luyện; Với công việc thì xác định thời gian hoàn thành cụ thể, xây dựng kế hoạch công chi tiết bám sát kế hoạch giải ngân của nhà nước, ngân hàng và khả năng của doanh nghiệp; với lợi ích thì đặt lợi ích của đất nước, của người dân làm tối thượng nhưng cũng cần hài hòa với lợi ích của người lao động, cổ đông và cả doanh nghiệp.

“Nhưng để thực hiện chiến lược kết nối, tránh sân chơi chỉ có một mình, chúng tôi hiểu được nâng cao năng lực quản trị cho chính mình là chưa đủ mà phải đào tạo nâng cấp các doanh nghiệp đối tác để cùng trình độ, văn hóa và cách làm. Đồng thời kiến nghị ngành giao thông vận tải chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho các Ban quản lý dự án, cơ quan tham mưu để khi áp dụng một công nghệ mới không chỉ chúng tôi biết mà các cơ quan nhà nước cũng phải biết”, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Gỡ những “vòng kim cô”

Theo ông Hồ Minh Hoàng, trong bối cảnh hiện nay, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, trong quá trình tương tác làm việc với cơ quan nhà nước, đâu đó Tập đoàn Đèo Cả phải đối diện với tình trạng thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, tư duy lối mòn xuất hiện từ cấp quản lý nhà nước. Không ít doanh nghiệp chưa có thói quen quản trị sự thay đổi khi đối diện với bất cập bên ngoài, khủng hoảng kinh tế thường thay đổi mục tiêu thiếu kiên định với chiến lược của mình.

Những phát biểu thẳng thắn, đấu tranh làm rõ trách nhiệm của các bên được nêu ra có thể làm mất lòng các bên liên quan và ở một chừng mực nào đó đã ảnh hưởng bước đầu đến hoạt động của chúng tôi. Nhưng vì lợi ích chung, lâu dài của ngành giao thông và niềm tin vào sự thịnh vượng, phát triển đất nước trong tương lai nên chúng tôi mạnh dạn nói lên tình trạng thiếu trách nhiệm, né trách nhiệm để phá bỏ các rào cản.

Đâu đó vẫn còn những bình luận “Đèo Cả ôm khối nợ khủng” đầy móc máy, “trùm BOT” thiếu thiện chí hay thường có cách cộng dồn các khoản nợ hoặc nâng cao quan điểm “Tập đoàn Đèo Cả nợ 31.000 tỷ, loạt công trình trọng điểm sẽ ra sao”. Chia sẻ với quý vị chúng tôi là nhà đầu tư hạ tầng giao thông, những dự án chúng tôi tham gia đều có quy mô rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, thì việc dư nợ ở các ngân hàng là hoàn toàn bình thường, chúng tôi vẫn hoàn thành các cam kết, nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng. Những khoản nợ đó thường xuất phát từ các Dự án được giải cứu hay cơ chế chính sách bất cập, các cam kết của Nhà nước đã không được thực hiện.

Khi các bên là cả Nhà đầu tư, Nhà thầu, Ngân hàng đều tháo chạy để chính chúng tôi phải tự xoay sở đối mặt và kể cả một bộ phận truyền thông tranh thủ thông tin “thiếu thiện chí” chỉ nói về nợ lớn hay các bên liên quan luôn đẩy trách nhiệm cho Đèo Cả. Sự chọn lựa của chúng tôi lúc này là phải hoàn thành dự án, tháo gỡ từng bước với các bên liên quan và tiếp tục đấu tranh để giải quyết các tồn tại vướng mắc.

“Để làm được những việc trên, giải quyết nhiều Dự án khó khăn, xóa tan sự hoài nghi về năng lực kinh nghiệm và đặc biệt là khát vọng Việt Nam. Tôi thiết nghĩ phải có một tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trước hết, phải lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm tối thượng nhưng cũng cần phải có trách nhiệm với lợi ích của cổ đông, người lao động đồng thời cũng quan tâm lợi ích cho chính mình để tạo động lực”, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – đơn vị đang sở hữu số lượng hợp đồng xây lắp lên tới 35.000 tỷ đồng không khỏi bùi ngùi khi thị trường xây lắp giao thông đã vắng bóng những "cánh chim đầu đàn" trực thuộc Nhà nước như các Cienco, Tổng công ty Sông Đà...

"Giai đoạn 2021-2030, để các doanh nghiệp trong nước trưởng thành, vươn tầm như quốc tế, bên cạnh sự đoàn kết giữa các nhà thầu hiện nay, Chính phủ cũng cần quan tâm xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường xây lắp để tăng sức cạnh tranh. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu xây dựng 1 - 2 doanh nghiệp giao thông trực thuộc Nhà nước để thực hiện những công việc, dự án trong trường hợp đặc biệt", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.

Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các nhà thầu xây dựng giao thông hiện nay chính là hệ thống đơn giá, định mức quá thấp, lạc hậu rất xa so với thực tế. Trong khi đó, dự toán các gói thầu có vốn Nhà nước lại được xây dựng trên hệ thống đơn giá, định mức như trên khiến các nhà thầu dù giành được hợp đồng cũng rất khó có lợi nhuận, thậm chí đối diện với thua lỗ nếu gặp biến động giá lớn như giai đoạn 2020 – 2022.

“Việc tháo vòng kim cô mang tên đơn giá, định mức đang là vấn đề rất cấp thiết, nếu không các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tích luỹ tiềm lực để trưởng thành, vươn tầm quốc tế”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc bình luận.

Với tư cách là nhà đầu tư chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Thành, doanh nghiệp tham gia 3 dự án BOT gồm cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn, cho biết hành lang pháp lý vẫn là lý do khiến hoạt động đầu tư BOT gặp khó khăn.

Theo ông Khôi, Luật Đối tác công tư (PPP) đã được ban hành nhưng việc thực hiện đang khiến các nhà đầu tư bị "lép vế" so với cơ quan quản lý Nhà nước. Các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều có quy định nhưng không bao giờ thực hiện và muốn thực hiện thì phải xin qua nhiều cấp. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn. Ngoài việc phải thế chấp quyền thu phí, các ngân hàng đang yêu cầu nhà đầu tư phải có thêm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Về bản chất, các ngân hàng đang đẩy tất cả các rủi ro cho nhà đầu tư gánh chịu. Họ đang rất cảnh giác với các dự án BOT giao thông - ông Khôi cho biết và mong các cơ quan quản lý cần xây dựng các phương án tài chính sát thực tế, có tính khả thi tài chính với thời gian hoàn vốn không quá 20 năm cho các dự án PPP đường cao tốc sắp triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tuy PPP là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp lại cho rằng phần rủi ro đang nghiêng về phía doanh nghiệp nhiều hơn.

“Chỉ khi có sự hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và tư nhân, Nhà nước mới có được niềm tin từ phía các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển hạ tầng giao thông, cũng chính là đồng hành đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Khôi mong muốn.

Nhiều nhà đầu tư BOT đường bộ lâm cảnh đường cùng, chết lâm sàng
Nếu “phao cứu trợ” từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền không bung kịp thời, nhiều dự án BOT đường bộ sẽ đứng trước nguy cơ vỡ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư