Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nhiều trường đại học công bố mức thu học phí tạm thời
D.Ngân - 10/10/2023 20:15
 
Trong khi chờ đợi Chính phủ có quy định chính thức về mức học phí năm học 2023, nhiều trường đại học đã đưa ra mức tạm thu.

Mới đây, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tạm thu học phí học kỳ I bằng năm 2022 là 13,75-36 triệu đồng. Còn Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo mực học phí tạm thu học kỳ 1 năm học 2023-2024 như sau: Tạm thu học phí và các loại phí nhập học là 9.500.000 đồng/sinh viên.

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I như hai năm qua dù trong đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 8% so với năm 2022. Theo đó, sinh viên trúng tuyển năm 2023 tạm đóng 6 triệu đồng.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thông báo dừng tăng học phí và thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến.

Trường Đại học Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao 9,5 - 20,75 triệu đồng. Mức thu này thấp hơn so với dự kiến khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/học kỳ.

Một số trường Đại học Y Dược tạm thu học phí theo mức công bố dự kiến tăng cho năm học 2023 - 2024. Cụ thể, tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đối với sinh viên nhập học từ năm 2020 trở về sau sẽ phải đóng học phí thấp nhất là 41,8 triệu đồng đến cao nhất là 77 triệu đồng/năm học. Học phí năm học 2023 - 2024 được điều chỉnh tăng 10% so với năm học 2022-2023.

Cụ thể, học phí của ngành bác sĩ răng hàm mặt là 77 triệu đồng/năm (tăng 7 triệu so với năm trước), ngành bác sĩ y khoa là 74,8 triệu đồng, ngành dược sĩ là 55 triệu đồng, ngành bác sĩ y học cổ truyền là 45 triệu đồng.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo, học phí ngành y khoa, răng hàm mặt, dược học: 55.200.000 đồng/năm. Các ngành cử nhân học phí là 31.640.000 triệu đồng/năm.

Học phí năm 2023 của Trường Đại học Y Hà Nội với khoá tuyển sinh mới dao động từ 20.904.000 - 55.200.000 đồng/năm học (10 tháng).

Trường Đại học Y Dược Thái Bình thông báo học phí tạm thu năm 2023 đối với sinh viên khoá tuyển mới như sau: Ngành y khoa, dược học, răng-hàm-mặt, y học cổ truyền là 55 triệu đồng/năm; ngành điều dưỡng 40 triệu đồng/năm.

Tại Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM, học phí các ngành y khoa, dược, răng - hàm - mặt và y học cổ truyền là 55 triệu đồng.

Riêng ngành điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Y khoa (chất lượng cao), trung bình: 72,6 triệu/năm; Ngành dược học, trung bình: 66,5 triệu/năm; răng-hàm-mặt (chất lượng cao) trung bình: 106,48 triệu/năm.

Trước đó, về học phí đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 bằng mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 81). Theo quy định này, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81 và lùi đến năm học 2026 - 2027.

Theo đề xuất trên, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng như Nghị định 81. 

Như vậy, đề xuất của Bộ đưa ra tăng 220 nghìn đến 1,02 triệu đồng. Mức thu hiện nay là từ 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Mức này thấp hơn quy định tại Nghị định 81 (từ 1,35 triệu đến 2,76 triệu đồng/tháng). 

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 đến 6,15 triệu đồng/tháng.

Theo tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Với đề xuất trên một số ý kiến lo ngại, nếu áp dụng theo Nghị định 81, thì mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022 - 2023, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%; mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp công lập tăng bình quân 82% so với năm học 2022 - 2023.

Thậm chí, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước (2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023). Việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí.

Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, là tăng sự tiếp cận giáo dục đại học”.

Ông Sơn cho rằng, hiện một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp chục lần so với chi phí tại các trường đại học công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh.

"Đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Vì vậy, người học cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai của chính mình”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết.

Chính sách học phí đại học mùa tuyển sinh năm 2023
Nhiều trường đại học thông báo dự kiến sẽ tăng học phí trong năm học 2023 - 2024. Bên cạnh đó, chính sách học phí năm nay cũng quy định nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư