Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
Nhiều trường đại học gặp khó về tự chủ
Mộc An - 25/12/2023 09:38
 
Ngoài những khó khăn khách quan, tự chủ đại học ở Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về niềm tin.

Khó chồng khó

Thực tế cho thấy, khi trúng tuyển vào đại học, sinh viên phải oằn mình nộp học phí, nên nhiều em không lựa chọn vào đại học. Hiện học phí đại học đang ở mức cao so với thu nhập của đại đa số người học. Trường học cũng có cái khó khi phải lo mọi bề từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên.

Đại diện Trường đại học Thái Nguyên cho biết, hơn 10 năm qua, nhà trường chưa nhận được sự đầu tư đáng kể nào. Trong khi đó, theo định hướng tự chủ, đầu tư của Nhà nước sẽ giảm dần, nhưng việc tuyển sinh của nhà trường còn hạn chế nên rất khó để tạo ra thế và lực để phát triển.

Lãnh đạo Trường đại học Hồng Đức cũng nêu khó khăn của nhà trường hiện nay khi đầu tư cho giáo dục đại học không thể chỉ từ nguồn thu học phí. Trong khi không được tăng học phí, nhưng từ ngày 1/7 tăng lương, mà nguồn thu lại không được tăng. Làm sao vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, vừa đảm bảo chi trả cho giảng viên là bài toán khó với nhà trường.

Tương tự, GS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, việc thực hiện tự chủ đại học thời gian qua còn một số vướng mắc khi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. Dù được tự chủ trên nhiều lĩnh vực, nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ.

Cụ thể, chính sách học phí chưa theo kịp, trường bị cắt ngân sách, nhưng học phí không được tăng. Đầu tư mua sắm không khác gì trường bình thường. Chính sách thuế của các trường tự chủ chưa rõ ràng. “Các trường tự chủ hiện nay giống như ném đá dò đường. Những vướng mắc này rất dễ dẫn đến tâm lý ngại tự chủ ở các trường chưa triển khai thực hiện”, ông Vũ nói.

Bàn về vai trò của Hội đồng trường với các trường tự chủ, GS-TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tuy Luật Giáo dục đại học đã quy định về quyền lực của Hội đồng trường, nhưng trong thực tế quyền lực của Hội đồng trường còn rất hạn chế. Hoạt động ở nhiều trường còn mang tính hình thức; trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội rất mờ nhạt. Trong khi đó, cơ quan chủ quản còn can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học.

Trao thực quyền cho các nhà trường

Từ thực tế nêu trên, đại diện Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, xã hội vẫn hiểu "tự chủ đại học" là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ, tự chủ là Nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động. Thực ra, tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học.

Tự chủ cũng tạo điều kiện để trường được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, tăng cường hoạt đội đối ngoại để nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam. Các trường tự chủ hướng đến chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế.

"Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới", đại diện Trường đại học Kinh tế quốc dân nêu.

Một quan điểm khác thì cho rằng, cái gốc của tự chủ là vấn đề phân quyền. Theo đó, nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực, dẫn đến xung đột trong tổ chức.

GS-TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đầu tiên, nguyên tắc của phân quyền là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành khác nhau phải được chuyển vào các tổ chức đệm và Hội đồng trường chính là tổ chức đệm đó.

“Hiện nay, tổ chức Hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Chỉ sử dụng một số quyền lực của Đảng ủy, một số quyền lực của Ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”, ông Thanh phân tích.

Ngoài ra, theo vị này, nếu trường đại học 2 cấp (tức có Hội đồng đại học và Hội đồng trường mà không rõ phân định mối quan hệ giữa Hội đồng đại học và Hội đồng trường, thì chắc chắn xu hướng li tâm sẽ xảy ra. Các đại học nên chỉ có một cấp hội đồng. Nếu có 2 cấp thì xem Hội đồng đại học là hội đồng bao quát. Lúc đó mới có sự kết nối, thông suốt.

Trong tự chủ đại học, để tháo gỡ cho công tác quản trị nhà trường hiện nay, thiết nghĩ các văn bản pháp lý nên làm rõ, hướng dẫn các trường thực thi quy định trong luật về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong việc ra quyết định chính sách, giám sát, đánh giá và cải tiến các hoạt động đào tạo của cơ sở, có như vậy mới tạo động lực cho sự phát triển.

Việt Nam có Trường Đại học đầu tiên đào tạo eSport, giải bài toán thiếu 30.000 nhân lực
Để giải bài toán thiếu 30.000 nhân lực của ngành công nghiệp game tỷ USD, hai Trường Đại học của Việt Nam và Vương quốc Anh đã mở ngành đạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư