Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Nhiều trường đại học lớn công bố phương án tuyển sinh đại học 2023
D.Ngân - 22/12/2022 16:04
 
Một số trường đại học lớn đã đưa ra phương án tuyển sinh đại học 2023.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Theo đó, năm học này trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 6.200 sinh viên cho 60 ngành và chương trình đào tạo.

Về phương án tuyển sinh, trường vẫn giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển nhưng có thay đổi lớn về chỉ tiêu gồm: Xét tuyển thẳng chiếm 2%;

Một số trường đại học lớn đã đưa ra phương án tuyển sinh.

Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chiếm 25%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội với 7 mã tuyển sinh chiếm 3%; xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường chiếm 70%.

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT còn 25% chỉ tiêu, thấp hơn 10% so với năm ngoái. Như vậy, trong vòng hai năm, chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường đã giảm mạnh từ 70% xuống còn 25%.

Bên cạnh đó, trong 70% của phương thức xét tuyển theo Đề án tuyển sinh của trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 40% chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh xét tuyển bằng điểm của kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia với 17-20% chỉ tiêu cho thí sinh đạt 85 hoặc 700 điểm trở lên khi tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP.HCM;

20% chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực hai Đại học Quốc gia. 

Với chứng chỉ tiếng Anh, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu từ IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46, TOEIC (Listening và Reading 785, Speaking 160, Writing 150). Yêu cầu về điểm đánh giá năng lực cũng là đạt 85 hoặc 700 điểm trở lên.

Ngoài ra, về ngưỡng đầu vào, dự kiến là 20 điểm gồm điểm ưu tiên đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023;

Dự kiến là 18 điểm gồm điểm ưu tiên đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội; 

Với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của mỗi nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp.

Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhà trường áp dụng, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.

Năm 2023, Trường Đại học Việt Đức chủ yếu tuyển sinh dựa trên kỳ thi riêng TestAS do nhà trường tổ chức (vào tháng 5/2023). 

Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của trường. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.

Nhà trường xét tuyển đại học theo 5 phương thức dành khoảng 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kỳ thi riêng TestAS. 

Đồng thời trường còn xét tuyển theo bốn phương thức khác. Khoảng 30% chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trường sẽ xét tuyển dựa theo bốn phương thức khác, cụ thể:

Phương thức 2: xét học bạ THPT.

Phương thức 3: xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Phương thức 4: xét chứng chỉ THPT quốc tế.

Phương thức 5: xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trường đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố sẽ tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Dự kiến sẽ có một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5.

Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ gồm tám môn: toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. 

Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để xét tuyển đại học.

Nhà trường cho biết sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 lên khoảng 20 - 30% tùy ngành.

Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng bốn phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; 

Xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố năm 2023 tiếp tục giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành.

Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023.

Cũng liên quan đến phương án thi tuyển sinh năm 2023, qua tìm hiểu phóng viên được biết hiện từ năm 2023, một số trường đại học của Việt Nam sẽ sử dụng chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) do chính các trường trong nước cấp, chứ không chỉ sử dụng một số chứng chỉ như IELTS, TOEIC, TOEFL...

Việc các trường đại học đưa chứng chỉ này làm chuẩn đầu vào và đầu ra của sinh viên được kỳ vọng sẽ mở thêm cơ hội vào Đại học của học sinh, góp phần thúc đẩy nhu cầu học, thi và nâng cao uy tín của chứng chỉ “nội” từng bị “lép vế” ngay trên sân nhà.

Là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào đại học từ năm 2022, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội thông tin sẽ tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển này trong năm 2023.

Theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, từ khóa tuyển sinh năm 2023, trường sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển. 

Trước đó, từ tháng 4/2021, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP. 

Nhà trường sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. 

Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên.

Hiện nay trong hệ thống đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị được Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP bậc 3-5. 

Theo kế hoạch, nhà trường sẽ duy trì tổ chức kỳ thi tiếng Anh VSTEP bậc 3-5 hằng tháng cho học sinh, sinh viên có nhu cầu.

Đại học quốc gia Hà Nội cũng vừa ban hành Quy chế đào tạo bậc đại học áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi. 

Đáng chú ý, quy chế mới quy định đối với chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gọi tắt là chứng chỉ VSTEP với chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3, hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo bên cạnh các chứng chỉ có giá trị tương đương khác.

Được biết, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ ngoại ngữ “Made in Việt Nam” này đã được biết đến rộng rãi hơn. 

Tính đến tháng 8/2022, toàn quốc có 25 trường đại học, học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ưu điểm lớn nhất của chứng chỉ này là có chi phí rẻ, nằm ở mức từ 1,5-1,8 triệu đồng, thấp hơn so với mức khoảng 4,6 triệu đồng của IELTS.

Cùng với đó, nguồn tài liệu và khóa ôn thi nhiều, dễ dàng tìm thấy trên mạng với mức phí rất rẻ; lịch thi linh động và có nhiều điểm thi, thời hạn sử dụng lâu dài. 

Ngoài ra, các yêu cầu của bài thi cũng khá khó vì đánh giá toàn diện 4 kỹ năng, yêu cầu thí sinh phải có nền tảng kiến thức, kỹ năng nhất định. 

Tuy vậy, hạn chế của VSTEP là chỉ có giá trị tại Việt Nam, chưa được quốc tế công nhận; bài thi VSTEP chủ yếu mới chỉ sử dụng cho tuyển dụng ở các cơ quan công lập và chuẩn đầu ra ở bậc đại học, học sau đại học. 

Do đó, học sinh có nhu cầu đi du học hoặc xét tuyển vào các trường đại học, người đi làm vẫn chuộng các chứng chỉ quốc tế hơn.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia giáo dục từng chấm thi VSTEP, chất lượng, kỹ thuật tổ chức thi và chất lượng khảo thí gồm chấm thi, người chấm thi chưa thực sự đảm bảo tính công bằng như thi quốc tế. 

VSTEP cũng không ghi thời hạn của chứng chỉ, tức có giá trị lâu dài nhưng trên thực tế thời hạn sử dụng của chứng chỉ lại chủ yếu phụ thuộc vào đơn vị sử dụng. Chính những yếu tố này đã và đang khiến cho chứng chỉ nội kém hấp dẫn hơn so với chứng chỉ ngoại tương đương.

Về các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung cho Trường Đại học Thành Đông (Hải Dương). Trước đó, nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như tiếng Nhật, tiếng Anh IELTS, Cambridge,… bị tạm hoãn thi tại Việt Nam cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép trở lại.

Khắc phục "sạn" trong tuyển sinh đại học 2022
Với nhiều “sạn” trong công tác tuyển sinh đại học 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang bàn thảo những giải pháp mang tính kỹ thuật để mùa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư