Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NHNN: Chấp nhận thanh toán bằng bitcoin bị phạt tới 200 triệu đồng và có thể bị truy cứu hình sự
Thùy Liên - 28/10/2017 09:47
 
Trước câu hỏi của Báo Đầu tư về trường hợp Trường Đại học FPT chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, NHNN dẫn chiếu các các quy định pháp luật và khẳng định, việc chấp thuận thanh toán các hương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính 150-200 triệu đồng và có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bitcoin là phương tiện thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam
Bitcoin là phương tiện thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam

Trả lời báo chí sáng nay (28/10), NHNN khẳng định, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Thứ nhất, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự. Theo đó, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.

Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

"Sập bẫy" Bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ ở Việt Nam
Đồng tiền ảo Bitcoin hồi đầu tháng Chín đã tăng lên mức giá kỷ lục lần đầu tiên đạt trên 5.000 USD/Bitcoin, như vậy, đồng Bitcoin đã tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư