Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NHNN khẳng định đủ nguồn lực để điều hành linh hoạt, ổn định tỷ giá
Vân Linh - 28/08/2018 08:42
 
Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ có đủ nguồn lực để can thiệp linh hoạt và ổn định tỷ giá.
TIN LIÊN QUAN

Lãi suất USD tiếp tục tăng 

Các quan chức của Fed đưa ra cảnh báo, cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể hủy hoại kinh tế Mỹ và nhiều dấu hiệu cho thấy sự leo thang của cuộc chiến này sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất nặng nề hơn. Tuy nhiên, họ cũng thể hiện sự lạc quan về việc nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong cả năm 2018. Với triển vọng tỷ lệ thất nghiệp thấp gần mức kỷ lục, tăng trưởng kinh tế (GDP) hơn 4% trong quý II/2018, Fed dự kiến tăng lãi suất USD thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nâng lãi suất theo. Thế nhưng, ngân hàng này không nâng lãi suất trong lần Fed nâng lãi suất mới đây nhất vào tháng 6/2018, thay vào đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hai lần, qua đó, bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Kết quả là, nhân dân tệ giảm giá 7% so với USD trong thời gian gần đây. 

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, nếu thuế tác động lên lạm phát trong nước, Fed sẽ hành động và tiếp tục nâng lãi suất cơ bản USD trong ngắn hạn, với tốc độ nhanh hơn và mức tăng lớn hơn dự kiến. 

Kế hoạch áp thuế của Mỹ và Trung Quốc với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia còn lại có hiệu lực trong ngày 23/8 khiến USD hưởng lợi. Chính vì thế, các nhà đầu tư đã lựa chọn tài sản an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ và USD. Tuy nhiên, điều này được giới phân tích cho là sẽ không tác động mạnh lên tỷ giá VND/USD. 

Áp lực tỷ giá sẽ gia tăng?

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đủ nguồn lực để can thiệp linh hoạt và tỷ giá ổn định. Lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 64 tỷ USD là cơ sở để điều hành tỷ giá ổn định. Tỷ giá có thể tăng trong biên độ 2-2,5% trong năm nay cũng là điều bình thường.

Theo các chuyên gia tài chính, do luồng vốn vào Việt Nam chủ yếu dưới dạng FDI, chỉ có một phần nhỏ là FII vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong nước, nên chưa thấy mối đe dọa tức thì nào. Sự điều chỉnh giá chứng khoán có nguyên nhân từ sự dịch chuyển dòng vốn FII, nhưng quá trình này có thể kiểm soát được. 

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng nhận định, NHNN có đủ nguồn lực để can thiệp linh hoạt vào tỷ giá. Theo báo cáo vĩ mô tuần từ ngày 13/8 đến 15/8 của HSC, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng không tăng, thậm chí giảm nhẹ. 

Theo một lãnh đạo trong ngành tài chính, nếu NHNN không hành động gì thì VND sẽ tăng giá, nhưng NHNN không muốn để tiền đồng tăng giá mạnh, vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức cạnh tranh của xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, NHNN can thiệp bằng cách mua - bán ngoại tệ và thuật ngữ chuyên ngành đó là “can thiệp trên thị trường ngoại hối”. NHNN sẽ liên tục mua vào USD từ nguồn vốn FDI và các luồng vốn khác vào Việt Nam để ngăn chặn sự tăng giá của VND. Vì thế, tỷ giá không phải vấn đề lớn đối với Việt Nam, dù VND giảm giá nhẹ so với USD trong thời gian gần đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư