Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NHNN: Không đặt tiền đồ của hệ thống ngân hàng vào rủi ro bất động sản
TL - 09/03/2016 14:38
 
NHNN cảnh báo, trong lịch sử, không ít ngân hàng rơi vào thua lỗ, thậm chí phá sản vì cho vay bất động sản. NHNN cũng cho hay, tín dụng trung, dài hạn (trong đó có tín dụng bất động sản) tăng rất nhanh suốt 3 năm qua làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn, có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.
TIN LIÊN QUAN

Trước phản ứng của dư luận, đặc biệt của DN bất động sản những tuần gần đây về việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, NHNN đã lên tiếng giải thích lý do sửa đổi thông tư này và khẳng định, tín dụng bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù vậy, cơ quan quản lý cũng cho hay, dự thảo sửa đổi thông tư vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Tín dụng bất động sản tăng gần 26%

Theo NHNN, từ năm 2015, thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi nhờ một loạt các giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó bao gồm cả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản như triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, giảm tỷ lệ rủi ro các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản từ 250% xuống còn 150%, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng trung, dài hạn.

NHNN cảnh báo, trong lịch sử, không ít ngân hàng rơi vào thua lỗ, thậm chí phá sản vì cho vay bất động sản.
NHNN cảnh báo, trong lịch sử, không ít ngân hàng rơi vào thua lỗ, thậm chí phá sản vì cho vay bất động sản.

Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực bất động sản thì tổng dư nợ của các TCTD cho lĩnh vực BĐS là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn. Bên cạnh đó, vốn tín dụng, đầu tư của hệ thống ngân hàng cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh. Trong đó, hầu hết các khoản tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có kỳ hạn trung, dài hạn.

Vì vậy, NHNN cho rằng, khi thị trường đã có đà phục hồi tốt là lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS.

Rủi ro tín dụng đang có chiều hướng gia tăng  

Về lý do sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, NHNN đưa ra nhiều lý do.

Thứ nhất, nghị quyết số 51 của Chính phủ ngày 2/7/2015, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án có thời hạn thu hồi vốn dài,…

Tại Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 28/7/2015 của VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về nhiệm vụ của NHNN và các bộ phải thận trọng, kiểm soát việc cho vay mới đối với lĩnh vực BĐS.

Thứ hai, theo NHNN, những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng ngân hàng trong năm 2015, cụ thể: Tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục, năm 2013: +43,1%; năm 2014: +45,4%) làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Thứ ba, bên cạnh việc tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực BĐS tăng nhanh thì việc tăng tín dụng trung, dài hạn cho lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng khá nhanh. IMF vừa mới có cảnh báo Việt Nam về việc tập trung tín dụng cho các lĩnh vực này.

Thứ tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực BĐS đạt khá trong 02 năm gần đây và tiếp tục tăng (2,55 tỷ USD năm 2014 và gần 2,4 tỷ USD năm 2015).

Trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn lớn trong khi nguồn vốn lnày lại hạn chế, việc phân bổ vốn trung, dài hạn phải tính tới an toàn, hiệu quả chứ không phải dành riêng hay dồn vốn cho bất động sản.

Lo ngân hàng chết chìm với bất động sản         

“Chúng ta đã có bài học đắt giá mới đây còn nguyên giá trị về tập trung cho vay động sản trong giai đoạn 2006-2010 để rồi tự đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức cùng với thị trường và nhà đầu tư, trong đó không ít ngân hàng khó khăn, thua lỗ, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản vì cho vay bất động sản. Liệu chúng ta có muốn lịch sử lặp lại? Liệu chúng ta có tiếp tục đặt sự tồn vong, tiền đồ của hệ thống ngân hàng và đặt cược tiền gửi của nhân dân vào rủi ro của thị trường BĐS?".

NHNN cũng khẳng định, một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cần phải có nhiều các chính sách, giải pháp hỗ trợ và quản lý của Chính phủ, Bộ, Ngành, địa phương chứ không phải chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Đặc biệt là không ít nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém, thậm chí không có vốn chủ sở hữu để đầu tư BĐS.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực bất động sản chưa từng giảm, kể cả giai đoạn khó khăn nhất, thị trường BĐS đóng băng  (dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS tăng 14% năm 2012, tăng 15,4% năm 2013, tăng 19,3% năm 2014 và 26% năm 2015).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư