Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
NHNN lại tiếp tục nhắc nhở, chấn chỉnh công ty tài chính
T.L - 21/09/2018 16:58
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của công ty tài chính. Đây là lần thứ ba trong vòng 4 tháng NHNN ra văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các công ty này.
TIN LIÊN QUAN
NHNN tỏ ra
NHNN yêu cầu các công ty tài chính phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ

Ngày 18/9/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7022/NHNN-TTGSNH yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trước đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản  1366/TTGSNH4 ngày 3/5/2018 về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 07/CT-NHNN và văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH ngày 15/5/2018 của NHNN về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.

Như vậy, thời gian gần đây, NHNN liên tiếp ra văn bản chấn chỉnh hoạt động của khối doanh nghiệp này.

Theo công văn mới được ban hành, NHNN chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các công ty tài chính, chi nhánh công ty tài chính, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ công ty tài chính trên địa bàn nghiêm túc triển khai một số nội dung.

Thứ nhất, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình, quy định nội bộ, chỉ đạo của trụ sở chính của công ty tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, phát hành thẻ tín dụng.

Thứ hai, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ và quuy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống ở các đơn vị kinh doanh trong mạnh lưới hoạt động của công ty tài chính trên địa bàn.

Thứ ba, phát hiện các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để có biện pháp ngăn chặn, xử lý toàn diện.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền nội bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp nhằm ngăn chặn các vi phạm có thể xảy ra.

Thứ năm, thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; đặc biệt là những quy định về hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng.

Thứ sáu, đối với văn phòng đại diện, điểm giới thiệu sản phẩm của công ty tài chính trên địa bàn: Không thực hiện đòi nợ cho công ty tài chính tiêu dùng; chỉ thực hiện các hoạt động quảng bá, tìm kiếm và quản lý khách hàng cho công ty tài chính theo sự chấp thuận của NHNN và quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-NHNN ngày 09/01/2008 ban hành quy định về việc mở và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty tài chính về tiếp xúc khách hàng; giới thiệu, tư vấn sản phẩm, dịch vụ; quản lý, sử dụng thông tin khách hàng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Kịp thời báo cáo, kiến nghị trụ sở chính của công ty tài chính và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xử lý những vi phạm trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, thu hồi nợ của các công ty tài chính, chi nhánh công ty tài chính, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo các công ty tài chính trên địa bàn có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tối đa rủi ro, hành vi vi phạm có thể xảy ra, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và lợi ích của công ty tài chính, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư