Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NHNN tiếp tục bơm tiền, ngân hàng thương mại tăng vay nóng, lãi suất qua đêm chính thức vượt 5%/năm
Thùy Liên - 28/07/2022 16:12
 
Doanh số vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng tăng 55% so với đầu tháng trong khi lãi suất cho vay qua đêm tăng 6-7 lần. Đồng thời, NHNN cũng tăng bơm tiền qua kênh thị trường mở (OMO).

Số liệu của NHNN công bố hôm nay cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 27/7, NHNN tiếp tục chào thầu qua thị trường mở (OMO) 15.000 tỷ đồng. Kết quả, 11/16 thành viên tham gia trúng thầu với gần 15.000 tỷ đồng.

Trong ba phiên trước đó, NHNN đã cho các tổ chức tín dụng vay gần 30.000 tỷ đồng qua kênh OMO. Như vậy, trong 4 phiên giao dịch liên tiếp mới đây, NHNN đã bơm ròng ra thị trường 45.000 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 6/2022, NHNN hút ròng từ thị trường 120.000 tỷ đồng. Việc NHNN chuyển trạng thái từ hút ròng sang bơm ròng khiến lãi suất trên kênh OMO tăng đáng kể từ mức 2,5% lên mức 3,9%/năm.

Không chỉ NHNN tăng bơm tiền, hoạt động “vay nóng” lẫn nhau giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cũng sôi động hẳn lên, đồng thời lãi suất trên thị trường này cũng chính thức vượt mức 5%/năm.

Cụ thể, trong phiên giao dịch 1/7, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là 180.000 tỷ đồng/ngày, lãi suất cho vay qua đêm là 0,87%. Trong phiên giao dịch ngày 26/7, doanh số giao dịch trên thị trường này đã tăng lên 280.000 tỷ đồng (tăng 55% so với đầu tháng), lãi suất cho vay qua đêm vọt lên 5,01%/năm, tăng 6-7 lần so với đầu tháng và tăng gần 13 lần so với đầu tháng 6/2022.

Lãi suất trên thị trường ngân hàng bắt đầu nóng từ 18/7/2022, vượt mức 1%/năm từ ngày  19/7 sau đó tăng dần lên 1,4% ngày 20/7, 3,67% ngày 25/7 và 501% vào ngày  26/7.  

Ở Việt Nam, lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) không có sự truyền dẫn tới thị trường 1 (lãi suất tiết kiệm) nên sự nóng lên của thị trường liên ngân hàng không dẫn tới cuộc đua lãi suất trên thị trường 1.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng liên tục tăng từ đầu năm đến nay với mức tăng 0,5-1% so với đầu năm. Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, hàng loạt ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động. Ngay cả khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã bắt đầu nhích nhẹ lãi suất. Hiện nay, ngoại trừ Vietinbank, từ tháng 6/2022 đến nay, BIDV, Agribank và Vietcombank đều đã nâng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1%/năm ở một sso kỳ hạn.

Theo số liệu của NHNN, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đang tăng. Tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng - tăng 5,07% so với cuối năm ngoái.  Đáng chú ý, tốc độ tăng dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.

Các chuyên gia phân tích tại VNDirect kỳ vọng, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ trở lại trong quý IV/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. VNDirect dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.

Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định, xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới vẫn đang diễn ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có những nỗ lực lớn, quyết tâm cao để triển khai.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm để tạo điều kiện cho  tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước. Phó thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết tâm cùng toàn ngành ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc ổn định, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng nhanh lãi suất cùng với áp lực lạm phát trong nước gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho  tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư