-
Chờ đợi danh mục xanh: Chuẩn bị sẵn để đón đầu -
Xi Măng Fico-YTL nêu đề xuất hướng đến chuyển đổi xanh cho ngành xi măng Việt Nam -
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu -
Lượng khí thải carbon toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 -
Yên Bái sẵn sàng đón đầu tín chỉ carbon rừng -
VNSteel tiến vào kỷ nguyên xanh
Xóa “ốc đảo” Xốp Kha
Một ngày cuối tháng 1/2021, tôi cùng Đoàn công tác của Nhựa Tiền Phong khởi hành đến điểm khánh thành cây cầu cuối cùng trong Chương trình "Cầu nối yêu thương" của năm 2020 mà Công ty tài trợ thực hiện, đó là Cầu nối yêu thương số 38 - cầu Xốp Kha, tại bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Chương trình Cầu nối yêu thương
Đây là hoạt động xã hội cộng đồng do Nhựa Tiền Phong triển khai từ tháng 10/2017, với mong muốn xây dựng được nhiều cây cầu tại các khu vực khó khăn, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên đường tới trường.
Tính đến hết năm 2020, đã có 60 cây cầu được xây dựng tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi đến các tỉnh miền Tây sông nước và hoàn thành mục tiêu đề ra của chương trình, tạo dấu ấn đầy ý nghĩa cho kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty (1960 - 2020).
Trong năm 2021, Nhựa Tiền Phong dự kiến tiếp tục trao gửi yêu thương và hy vọng với 30 cây cầu mới. Nguồn kinh phí đầu tư được trích từ nguồn sản xuất, kinh doanh của Công ty, cùng sự đóng góp của cán bộ, nhân viên và các nhà hảo tâm trong nhóm thiện nguyện Từ Tâm.
Xuất phát từ đầu giờ sáng, nhưng phải đến chiều muộn, vượt qua hơn 450 cây số từ Hải Phòng, chúng tôi mới đến nơi. Xốp Kha từng được ví là “ốc đảo” ba không của huyện Tương Dương, nơi mà bao năm qua, 85 hộ dân là người đồng bào Khơ Mú phải sống trong cảnh không có điện lưới, thiếu nước sạch, thiếu giao thông kết nối.
Người dân Xốp Kha rất vui, nhưng vui nhất có lẽ là các em học sinh. Em Mông Thái Tú, 6 tuổi, đang học lớp 1 Trường tiểu học Xốp Kha hớn hở nói, từ nay em không phải nghỉ học khi mưa lũ nữa.
Trong số gần 50 em nhỏ của điểm Trường tiểu học Xốp Kha, Tú là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Mới 3 tuổi, em đã mồ côi cha, lao động chính trong nhà chỉ còn mẹ. Cuộc sống khó khăn, mẹ Tú phải sang Đài Loan để lao động, hai chị em Tú ở với bà ngoại. Nhưng năm ngoái, trước khi Tú vào lớp 1, bà ngoại đã đi lấy chồng cách nhà đến 50 cây số. Mỗi tháng bà chỉ về thăm các cháu một lần. Tú bước chân vào lớp 1 và chỉ có chị gái học lớp 4 ở bên cạnh.
Mùa nhập trường đầu tiên của Tú cũng là mùa mưa lũ. Bước chân đầu tiên đến trường của em thêm nhọc nhằn, bấp bênh như chính cuộc sống vắng bóng chở che của cha, sự yêu thương của mẹ vậy. Mực nước suối dâng lên theo lượng mưa. Mưa ít, Tú và chị còn tự lội qua suối được, nhưng khi nước lên cao cả mét thì Tú phải nhờ thầy cô cõng qua suối. Những khi nước siết, hay dâng cao quá, thì Tú và chị gái cùng nhiều học sinh khác phải nghỉ học ở nhà.
Chỉ về phía con đường dẫn vào bản Xốp Kha, ông Lữ Văn Quang, Trưởng bản cho biết: “Chỉ có hơn 4 km từ trung tâm xã Yên Hòa đến bản Xốp Kha, nhưng trước đây, khi chưa có đường, hàng ngày người dân phải mất gần 1 giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối mới có thể về đến bản. Vào những hôm trời mưa, bản Xốp Kha bị cô lập hoàn toàn”.
Đầu năm 2019, đoạn đường đất 4 km về bản Xốp Kha đã được huyện Tương Dương đầu tư. Nhưng phải đến cuối tháng 1/2021, khi cây cầu bắc qua suối Xốp Kha do Nhựa Tiền Phong tài trợ kinh phí xây dựng được khánh thành, thế “ốc đảo” của bản mới được phá vỡ hoàn toàn. Được biết, kinh phí cho 4 km đường đất vào bản (đang chờ kinh phí rải cấp phối, dự kiến khoảng 4 tỷ đồng) là hơn 6 tỷ đồng, còn kinh phí xây cầu Xốp Kha chỉ dài 24 m, rộng hơn 2 m là hơn 1 tỷ đồng.
Đường đã có, cầu đã thông, điện lưới cũng đã được bắc về bản... Những khó khăn của người dân Xốp Kha đang dần lùi vào quá khứ. Ngày 21/1/2021, cầu Xốp Kha đã chính chức được khánh thành. Vậy là Tú cũng như những người dân của Xốp Kha sẽ đón một mùa xuân mới ấm áp và tràn đầy hy vọng về tương lai tươi sáng hơn.
Ông Lô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa vui mừng chia sẻ: “Trước đây, điều kiện sống của người dân trong bản khó khăn quá, nên tình trạng bỏ học, tái mù chữ cao. Tư liệu sản xuất của người dân cũng ít, nên muốn tìm cách thoát nghèo cũng khó. Nhưng nay, điện, đường, cầu đã có, các cháu sẽ đến trường dễ dàng hơn, đi học được đều hơn. Có con chữ, cánh cửa tương lai cũng rộng mở hơn”.
Được biết, xã Yên Hòa đã đề ra định hướng phát triển kinh tế theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, đồng thời giúp người dân có thể đi lao động nước ngoài, hoặc làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hy vọng, trong tương lai không xa, nhiều bản của Yên Hòa, trong đó có bản Xốp Kha sẽ nhanh chóng thoát nghèo, góp phần sớm đưa huyện Tương Dương ra khỏi diện 30A.
Nhớ về Pá Khoang, Nà Ui
Hai ngày có mặt tại Xốp Kha, được chứng kiến những nụ cười nồng hậu của người dân, sự hồn nhiên của những đứa trẻ tại đây, tôi nhớ lại chuyến đi đến xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) để khánh thành Cầu nối yêu thương số 3 - cầu treo Nà Ui. Đây cũng là cây cầu có điều kiện thi công khó khăn nhất, thời gian lâu nhất trong số 60 cây cầu đã được hoàn thành. Cầu Nà Ui có chiều dài 54 m, chiều rộng 1,5 m, trọng tải 0,5 tấn, được Nhựa Tiền Phong tài trợ kinh phí thực hiện lớn nhất từ trước đến nay - hơn 3 tỷ đồng.
Khi tôi đến dự khánh thành cầu, bản Nà Ui vẫn là bản khó khăn nhất của xã Nậm Sỏ, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa lũ, bản Nà Ui thường xuyên bị chia cắt, cô lập, sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn do nước lũ dâng cao.
Gọi điện cho anh Triệu Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ để hỏi thăm tình hình. Anh hồ hởi khoe về sự đổi thay của vùng đất này kể từ ngày cầu Nà Ui được khánh thành. “Bọn trẻ con không còn phải nghỉ học vào mùa mưa rồi em ạ. Những điểm trường xa, học sinh có thể tự đạp xe qua cầu đi học. Bà con giờ làm ăn tốt lắm, rừng quế, rừng mắc ca, nghệ đen của bà con giờ đã mang lại thu nhập ổn định. Cầu Nà Ui có, bà con thuận lợi trong việc vận chuyển hàng nông sản đi giao cho các đầu mối. Thi thoảng bà con vẫn hỏi thăm khi nào Nhựa Tiền Phong lại vào chơi...”.
Tôi đã hiểu được vì sao những cán bộ của Nhựa Tiền Phong sẵn sàng vượt qua vất vả để chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng đến vậy. Họ đã thực hiện hàng trăm chuyến công tác, đi hàng ngàn cây số, vượt đồi núi, băng suối, băng rừng để xây được 60 cây Cầu nối yêu thương, giúp chắp cánh ước mơ tới trường cho nhiều học trò vùng cao, giúp bà con đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ cây Cầu nối yêu thương đầu tiên - cầu Pá Khoang ở Điện Biên, được khánh thành vào tháng 11/2017, đến ngày 21/1/2021, 60 cây cầu đã được khánh thành suốt dọc chiều dài của đất nước, từ vùng Tây Bắc xa xôi đến vùng Tây Nam bộ chằng chịt kênh rạch.
“Ở đâu có học sinh còn phải đi học qua những con sông, con suối, bà con còn khó khăn không lưu thông được sản phẩm hàng hóa vì thiếu cầu, thì Nhựa Tiền Phong vẫn sẽ tiếp tục hành trình tri ân của mình. Lúc đầu, chúng tôi đề ra giới hạn của Chương trình Cầu nối yêu thương, nhưng càng đi, tôi càng nhận ra, hành trình này phải được tiếp tục khi vẫn còn những cây cầu tạm trên dải đất hình chữ S”, ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ khi tôi hỏi về kế hoạch thiện nguyện trong thời gian tới của Nhựa Tiền Phong. Có thể nói, những cây cầu không chỉ nối yêu thương, mà còn dẫn lối tới một tương lai tràn đầy hạnh phúc.
Cầu Xốp Kha được khánh thành giúp người dân nơi đây đón một mùa xuân mới ấm áp và tràn đầy hy vọng về tương lai tươi sáng hơn |
Lan tỏa giá trị
Có câu nói: “Nếu muốn đi thật nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi thật xa thì hãy đi cùng nhau”. Như một lẽ tự nhiên, những hành động đẹp mà Nhựa Tiền Phong đang thực hiện vì cộng đồng đã “hữu xạ tự nhiên hương”. Đối tác, bạn hàng, đại lý bán hàng đã đến cùng dự những buổi lễ khánh thành Cầu nối yêu thương ngày càng nhiều. Họ cùng góp chung những phần quà gửi đến người già, trẻ em, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để giúp vơi đi những khó khăn thường nhật. Hội thiện nguyện Từ Tâm cũng đã kết nối với Nhựa Tiền Phong để triển khai xây dựng nhiều cây cầu tại khu vực miền Tây Nam bộ...
Có một điều mà tôi đã thực sự chiêm nghiệm được sau mỗi chuyến đi cùng Nhựa Tiền Phong, đó là càng cho đi, ta càng thấy hạnh phúc hơn. Anh Lê Hữu Công, Ủy viên thường trực Ban Quản lý dự án của Nhựa Tiền Phong - người luôn có mặt tại các đoàn khảo sát, giám sát công trình Cầu nối yêu thương cho biết: “Tiền xây cầu được trích từ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Nhiều tỷ đồng đã được chi, lợi nhuận của các cổ đông trong hơn 3 năm qua vì thế cũng giảm đi phần nào. Nhưng không ai phàn nàn, bởi chúng tôi hiểu, nếu chia ra theo mỗi cổ phiếu thì chỉ là một phần nhỏ, song góp những cái nhỏ này, chúng tôi đã tạo nên một điều lớn lao”.
Không chỉ bền bỉ với Chương trình Cầu nối yêu thương, Nhựa Tiền Phong còn đồng hành với Chương trình Trái tim cho em. Đây là chương trình phẫu thuật tim nhân đạo cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi, do Quỹ Tấm lòng Việt thuộc Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp thực hiện từ năm 2008. Tham gia chương trình này, Nhựa Tiền Phong đã hỗ trợ cho 50 ca mổ tim, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Cuối tháng 10/2020, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và Nhựa Tiền Phong cũng đã chính thức ra mắt Quỹ Cánh diều xanh - Blue Kite Foundation (BKF) để trợ giúp trẻ em dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc và hỗ trợ Chương trình Nâng cao chất lượng điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 2020 - 2022.
Còn nhớ, tại lễ ra mắt Quỹ Cánh diều xanh, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong đã cam kết sẽ hỗ trợ Quỹ khoản kinh phí 600 triệu đồng trong 2 năm 2020 - 2021. Và không lâu sau khi ra mắt Quỹ Cánh diều xanh, ngày 12/1/2021, Nhựa Tiền Phong đã tới chúc Tết Đồn biên phòng Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) và trao quà cho 3 cháu là con nuôi của Đồn.
“Những gì chúng tôi gửi đến Đồn biên phòng Lũng Cú chỉ là phần quà tặng nhỏ, nhưng ấm áp tình cảm quân dân, là sự tri ân mà Nhựa Tiền Phong muốn gửi tới các chiến sỹ bộ đội biên phòng - những người canh gác biên cương của Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Thức, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong xúc động nói.
Xuân ấm áp hy vọng
Còn nhớ, dịp tháng 11/2019, khi tổ chức khánh thành Cầu nối yêu thương số 22 - cầu Làng Xi, xã Lương Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), cả đoàn đã rất ngạc nhiên và cảm động trước sự hào hứng, mong chờ lễ khánh thành cầu của người dân trong làng. Cả làng mổ trâu ăn mừng, rồi nhảy sạp cho tới tận đêm khuya.
Không khí đó rộn ràng chẳng kém đêm tổ chức “Xuân ấm áp hy vọng” cho người dân bản Xốp Kha, ngay trước ngày khánh thành Cầu nối yêu thương số 38. Khi “Xuân ấp áp hy vọng” diễn ra vào tối 20/1/2021, điện lưới vẫn chưa được đóng. Để có được buổi lễ với âm thanh và ánh sáng, máy phát điện di động, đội hậu cần của Nhựa Tiền Phong đã lên trước 1 ngày để tìm thuê các thiết bị phát điện, loa đài, trang phục văn nghệ.
Bữa tối giữa núi rừng Xốp Kha tuy không rực sáng ánh điện, có những bàn ở xa còn mờ tối, nhưng thật vui vẻ và ấm áp. Ông Lữ Văn Quang, Trưởng bản Xốp Kha nói rằng, mọi người trong bản chỉ tụ họp liên hoan vào dịp Tết thôi. “Vậy là Tết năm nay đã đến sớm hơn rồi”, ông Quang cười vui.
Ngay bên cạnh tôi, các cô gái bản đang gõ nhịp bằng tay, hát vang bài hát bằng tiếng dân tộc Khơ Mú, ánh mắt ngời ngời hạnh phúc.
Buổi tối đó chắc chắn đã để lại ấn tượng sâu đậm không chỉ với người dân Xốp Kha, mà với tất cả những ai có mặt. Sau những tiết mục văn nghệ, mọi người cùng nắm tay nhau trong những điệu múa truyền thống, cùng nhảy múa quanh đống lửa trong cái lạnh của mùa đông, uống chung chum rượu cần. Không còn phân biệt miền ngược, miền xuôi, người dân tộc hay người Kinh, không còn biết ai là lãnh đạo, hay nhân dân, là sếp hay nhân viên, tất cả chỉ đơn giản là những người con dân đất Việt, cùng mang dòng máu Lạc Hồng.
Xuân không chỉ đến sớm với bản Xốp Kha, cách đó ít lâu, trong Lễ tổng kết năm 2020 của Nhựa Tiền Phong, ông Đặng Quốc Dũng đã tuyên bố thưởng Tết mỗi người 3 tháng lương thu nhập (mức lương bình quân tại Nhựa Tiền Phong đạt 13,7 triệu đồng/người/tháng). Vậy là không chỉ người dân Xốp Kha được đón Tết sớm, mà mỗi thành viên trong “mái nhà chung” Nhựa Tiền Phong cũng đã yên tâm về một cái tết sung túc sau một năm đầy sóng gió.
Đi tới tương lai
Hành trình suốt 60 năm qua của Nhựa Tiền Phong đã mang lại quả ngọt, doanh nghiệp này vẫn vững vàng là một thương hiệu Việt, do người Việt làm chủ, là một đối tác tin cậy, hấp dẫn cổ đông ngoại uy tín là Tập đoàn đa quốc gia Sekisui đến từ Nhật Bản.
Thành công này có được là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của mọi thành viên trong “mái nhà chung”. Đó là điều mà Nhựa Tiền Phong rất tự hào.
“Kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, nhưng tôi luôn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế đất nước”, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong tin tưởng. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ góp phần tác động chuyển hướng dòng vốn đầu tư của các nước phát triển sang Việt Nam và một số nước ASEAN. Làn sóng mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Đó vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức mới mà Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong sẽ phải nắm bắt và chuyển hóa thành động lực cho những định hướng trong giai đoạn tiếp theo của Công ty.
Trong bối cảnh còn nhiều bất ổn phía trước, Ban điều hành Nhựa Tiền Phong đã không đặt quá nặng vấn đề phải tăng trưởng cao về lợi nhuận, doanh thu cho năm 2021, thay vào đó, Nhựa Tiền Phong dành nhiều hơn nguồn lực giúp đỡ cộng đồng.
Chia sẻ về định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021, ông Dũng cho biết: “Nhựa Tiền Phong lấy chủ đề năm 2021 là Tiên Phong Xanh. Chủ đề này mang màu sắc của sự tăng trưởng, hy vọng, thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển dòng sản phẩm xanh, an toàn với sức khoẻ và môi trường, mang lại sức sống bền bỉ cho những công trình và tiếp tục góp sức cùng ươm mầm những giá trị nhân văn, tốt đẹp cho sự phát triển chung của xã hội và đất nước”.
Những cây Cầu nối yêu thương mà Nhựa Tiền Phong đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn là điểm tựa vững chắc để Nhựa Tiền Phong tiếp tục vượt qua những khó khăn, tự tin bước vào giai đoạn mới.
-
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu -
Nâng cao quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi để thích ứng với tình hình mới -
Lượng khí thải carbon toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 -
Phát triển tài chính xanh nhìn từ kinh nghiệm quốc tế -
Hành trình tiến đến Net Zero của Heineken Việt Nam -
Yên Bái sẵn sàng đón đầu tín chỉ carbon rừng -
Xoay vốn cho chuyển đổi kép
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025