Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Những công trình tiêu biểu về lãng phí ở Đà Nẵng - Bài 2: Quy mô lớn, nhưng khiêm tốn về doanh thu
Nguyễn Toàn - 15/10/2022 08:25
 
Cung Thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng đều là các công trình quy mô lớn, được xem như điểm nhấn về kiến trúc, nhưng đang là gánh nặng với ngân sách địa phương.
Tại Đà Nẵng có không ít công trình sử dụng vốn kém hiệu quả, như cây cầu vượt đường tránh… không đi được, hay ký túc xá hoàn thiện rồi lại không ai ở. Những công trình đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước bị phơi nắng phơi mưa hết năm này sang năm khác, gây lãng phí và bức xúc dư luận.

“Đĩa bay” loay hoay tự chủ

Cung Thể thao Tiên Sơn được người dân và du khách ví như “đĩa bay”, bởi nhìn từ xa, hình dáng bên ngoài như chiếc đĩa bay khổng lồ đang nghiêng, hướng mình về trung tâm thành phố.

Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đường Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường (quận Hải Châu), Cung Thể thao Tiên Sơn có tổng diện tích hơn 9,4 ha, nhưng trong đó chỉ có 1,04 ha được sử dụng để xây nhà thi đấu (gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi).

Công trình được xây dựng từ năm 2009 với chi phí lên đến 42 triệu USD (hơn 740 tỷ đồng) do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, Công ty AUM & LEE Architect Associates (Hàn Quốc) thiết kế; được đưa vào sử dụng lần đầu vào ngày 25/12/2010, phục vụ Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ VI.

Sau đó, vào tháng 11/2016, công trình được rót thêm 80 tỷ đồng để thực hiện cải tạo phục vụ cho các sự kiện tại APEC Việt Nam 2017.

Trung tâm Hội chợ Triển lãm TP. Đà Nẵng thu không đủ chi  	Ảnh: Nguyễn Toàn
Trung tâm Hội chợ Triển lãm TP. Đà Nẵng thu không đủ chi         Ảnh: Nguyễn Toàn

Theo thống kê của Cung Thể thao Tiên Sơn, trong hơn 9 năm, bình quân mỗi năm đơn vị đăng cai tổ chức 8 - 10 giải thể thao cấp thành phố; 6 - 8 giải thể thao cấp quốc gia, khu vực; 4 - 6 giải thể thao, hội thao của các ban, ngành trung ương và địa phương; công suất hoạt động đạt 80% (290 ngày/năm).

Song, những sự kiện văn hóa, thể thao có tiếng vang, được nhiều người biết đến rất hiếm hoi như Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2012, Robocon Đà Nẵng năm 2013, Giải vô địch thế giới Liên quân Mobile năm 2019. Hồi tháng 8/2020, nhà thi đấu được chọn làm bệnh viện dã chiến để phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Về hoạt động của công trình, ông Trần Công Tự, Giám đốc Cung Thể thao Tiên Sơn cho biết, bên cạnh các giải thể thao được tổ chức trong nhà thi đấu, không gian bên ngoài nhà thi đấu thành không gian mở cho người dân vào tập thể dục, là nơi các trường đại học, cao đẳng tổ chức cho sinh viên học thể dục… nên về hoạt động công cộng là “rất tốt”.

Vốn đầu tư lớn, lại nằm ở vị trí đắc địa, nhưng nhiều công trình tại Đà Nẵng thu không đủ chi. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả đầu tư dự án.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn thu của công trình trong các năm qua, ông Tự thừa nhận, đơn vị có nguồn thu không đáng bao nhiêu, bởi chủ yếu hoạt động mang tính chính trị, hưởng lợi doanh thu nhiều nhất lại là từ phía các khách sạn, nhà hàng.

Giám đốc Cung Thể thao Tiên Sơn dẫn chứng, các giải trẻ quốc gia về cờ vua, cờ tướng, bóng bàn… được tổ chức gần đây với sự tham gia của 500 vận động viên, đi kèm theo là phụ huynh thì các khách sạn xung quanh có nguồn thu lớn vì đều kín chỗ. Trong khi đó, Cung Thể thao Tiên Sơn lại không có thu, kể cả phần lệ phí tham gia của các đội.

“Nhiệm vụ của đơn vị là tổ chức thể thao mang tính chính trị, nếu sau này được giao định mức kinh tế thì mới tự chủ, chứ hiện đơn vị vẫn chưa tự chủ hoàn toàn. Năm 2020, 2021 vì dịch nên không tự chủ được, các năm trước thu cũng không được bao nhiêu”, ông Tự phân trần.

Theo tìm hiểu, Cung Thể thao Tiên Sơn được giao nhiệm vụ tổ chức chủ yếu các hoạt động thể thao, số lượng giải thể thao được tổ chức trong năm do UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt dựa trên đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, Cung Thể thao Tiên Sơn cũng có hợp đồng các sự kiện, hoạt động nhỏ bên ngoài nếu còn thời gian trống.

“Các hoạt động này không thu được bao nhiêu tiền. Theo đề án được UBND Thành phố phê duyệt, muốn tổ chức sự kiện trong Cung thì chi phí dao động 10 - 15 triệu đồng, nhưng thực tế thì rất ít sự kiện, từ khi Covid-19 lại càng hiếm. Nhà hát Trưng Vương có sẵn sân khấu còn “tối đèn”, huống chi ở đây nếu tổ chức phải thi công sân khấu hết 1 tuần”, ông Tự nói thêm.

Cũng theo ông Tự, mỗi năm đơn vị phải chi khoảng 6 - 7 tỷ đồng, bao gồm tiền lương, phí hoạt động, bảo trì, vệ sinh…

Tháng 12/2019, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án cho thuê mặt bằng tại Cung Thể thao Tiên Sơn, nhưng đơn vị này chưa thực hiện được. Nguyên nhân, bệnh viện dã chiến sau khi giải thể vẫn để lại một lượng lớn vật tư nên Ban quản lý chưa tận dụng được mặt bằng để cho thuê (hiện chỉ có 1 quán cà phê thuê kinh doanh với giá thuê khoảng 30 triệu đồng/ tháng).

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Cung Thể thao Tiên Sơn cũng đang phải cân nhắc việc xã hội hóa từ bài học Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình (Hà Nội). Nguyên do, Cung Thể thao Tiên Sơn về công năng được đánh giá chỉ phù hợp các hoạt động thể thao trong nhà, nên “nếu vì mục tiêu khai thác mặt bằng kinh doanh thu lợi thì lo ngại vừa phá vỡ kiến trúc, vừa xung đột về chức năng và tranh chấp không gian của công trình”.

Dù đứng trước sự lựa chọn nào, thực tế không thể phủ nhận là Cung Thể thao Tiên Sơn đã ngốn không ít tiền ngân sách đầu tư và tiền để duy trì hoạt động.

Cung Thể thao Tiên Sơn (TP. Đà Nẵng) 	Ảnh: Nguyễn Toàn
Cung Thể thao Tiên Sơn (TP. Đà Nẵng)        Ảnh: Nguyễn Toàn

Hội chợ Triển lãm thu không đủ chi phí vận hành

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng được giao tự chủ hoàn toàn kinh phí thu - chi, nhưng tình hình hoạt động cũng không khả quan hơn.

Trung tâm được xây dựng trong giai đoạn 2006 - 2008, do Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công thương) làm chủ đầu tư. Đáng lưu ý, Trung tâm có tổng mặt bằng lên đến 14 ha, nhưng khu triển lãm trong nhà chỉ có 1 ha (3 tầng); khu triển lãm và sự kiện ngoài trời là 5,05 ha, trong khi sân vườn, bãi giữ xe lại chiếm đến 8,13 ha, còn lại là kho chứa hàng 0,22 ha.

Trung tâm được đánh giá là một trong những công trình trọng điểm của TP. Đà Nẵng, với quy mô lớn, ưu thế không gian và vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ngay trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nhưng số sự kiện thường niên được tổ chức chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hội chợ Xuân; Triển lãm Quốc tế Vietbuild Đà Nẵng; Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC); Hội chợ hàng Việt.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm than thở, đơn vị đang tổ chức Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2022, ban đầu có 165 gian hàng đăng ký tham dự, nhưng nhiều doanh nghiệp đã hủy tham gia gian hàng giữa chừng nên chi phí tổ chức đã lỗ.

Chia sẻ thêm, ông Hạ cho biết, liên tiếp 2 năm 2020, 2021 vì dịch bệnh Covid-19 nên không tổ chức được sự kiện gì. Trong năm 2022, tình hình kinh tế khởi sắc hơn, Trung tâm tổ chức một số hoạt động với dự kiến doanh thu khoảng 5 tỷ đồng.

“Thị trường Đà Nẵng còn nhỏ, số doanh nghiệp lại ít. Trung tâm đã cố gắng kêu gọi doanh nghiệp tham gia nhưng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất không tham gia hội chợ. Trong khi, hội chợ tuy diễn ra ngắn chưa tới 1 tuần, nhưng Trung tâm phải bỏ thời gian chuẩn bị khá lâu, nhiều sự kiện phải chuẩn bị gần 1 năm trước để mời và có được doanh nghiệp tham gia”, ông Hạ nêu thực trạng.

Trung tâm phải đảm bảo cân đối thu chi, tự chủ hoàn toàn, đảm bảo thu nhập cho hơn 15 nhân sự là khá áp lực. Hàng loạt khoản chi sau mỗi lần tổ chức sự kiện như tiền điện (50 - 80 triệu đồng), nước (30 - 40 triệu đồng), chi phí vệ sĩ bảo vệ gian hàng (50 - 60.000 đồng/giờ). Ngoài ra, còn các chi phí khác như chương trình ca nhạc, truyền thông, quảng cáo, sân khấu (thuê dựng bên ngoài), phòng cháy chữa cháy…

Bên cạnh đó, Trung tâm hàng năm phải mua bảo hiểm tòa nhà (khoảng 150 triệu đồng), cùng với đó là chi phí bảo trì thiết bị.

Trong khi, giá cho thuê mặt bằng trong nhà tại Trung tâm với gian hàng 3x3 m dao động 5,5 - 7 triệu đồng; gian hàng ngoài trời đối với khu sảnh là 450.000 đồng/m2, sân bê tông là 100.000 đồng/m2…

“Trung tâm xác định hoạt động mang tính chính trị nặng hơn lợi nhuận, chứ không giống như doanh nghiệp được”, ông Hạ thừa nhận.

Vào tháng 3/2021, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi đề cập đến hiệu quả đầu tư công, đã dẫn chứng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng đầu tư mấy trăm tỷ đồng, trên diện tích 12 ha, nhưng doanh thu năm cao nhất là 10 tỷ đồng (năm 2019), chỉ vừa đủ chi phí vận hành.

“Với nguồn lực đầu tư như vậy, quỹ đất như vậy, mà nguồn thu như vậy thì có lãng phí không?”, ông Quảng đặt câu hỏi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư