Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Những đề xuất chính sách khó hiểu
An Nguyên - 17/07/2020 12:07
 
Tại phiên họp thứ 46 vừa qua, chỉ hai ngày, nhưng hai lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cứng rắn lắc đầu trước hai chính sách được cơ quan trình khẳng định là cần thiết.
.
.

Không phải thường xuyên, cũng không đến nỗi quá hiếm khi một đề xuất chính sách nào đó không qua được “cửa” Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội, hoặc thuộc thẩm quyền, nhưng ủy ban này không thông qua. Thế nhưng, để đến mức những người xem xét chính sách phải nhận xét là "liều lĩnh" và nhấn mạnh là "sai thẩm quyền", thì cũng khá khó hiểu.

Đầu tiên là đề xuất giao Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cung cấp bảo hiểm vi mô.

Với đặc điểm phí thấp, số tiền nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu, bảo hiểm vi mô là những sản phẩm bảo hiểm được thiết kế, cung cấp cho người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội. Nhưng do triển khai không đạt hiệu quả, nên hiện chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp mang tính quảng bá hình ảnh sản phẩm này.

Khó khăn là vậy, song Hội Liên hiệp Phụ nữ đang thí điểm cung cấp bảo hiểm vi mô ở 12 tỉnh, thành phố từ năm 2014 bằng một văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Căn cứ pháp lý này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là "quá đơn giản", còn theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đó là “hành động liều lĩnh". Liều lĩnh là bởi, việc này không những không phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm và hệ thống pháp luật hiện hành, mà còn bởi tính rủi ro rất cao. Trong khi loại hình kinh doanh này cần có vốn, khả năng giám sát, tổ chức điều hành, thanh toán đầu tư, nghiệp vụ công nghệ quản lý... thì tổ chức chính trị - xã hội lại không thể đáp ứng được.

Lý lẽ để bảo vệ sự cần thiết chính sách mới từ người đứng đầu ngành tài chính cũng rất yếu ớt, rằng điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội cung cấp bảo hiểm vi mô đang "đuối" cả về tổ chức bộ máy, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất và pháp lý.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm vi mô là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không phải tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh; nếu tổ chức chính trị - xã hội kinh doanh bảo hiểm nữa thì sẽ đi ngược với xu thế. Đó chính là điều khó hiểu.

Dường như cũng đi ngược xu thế kinh tế thị trường là đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa, được lãnh đạo Bộ Tài chính trình vào hôm sau.

Theo Bộ Tài chính, đây là việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng ý kiến tại cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) chỉ rõ là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Mặt khác, đề xuất trên cũng trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.

Luật Giá quy định, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, soi đi soi lại cũng không thể thấy bóng dáng sách giáo khoa ở đâu trong ba loại trên. Vì thế, chẳng phải là vô lý khi một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường, thì cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán, thay vì "đòi" định giá.

Và cũng chẳng phải vô cớ khi Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một vấn đề mà Luật không cho phép thì là sai.

Những đề xuất chính sách trên - nếu chỉ nhìn ở khía cạnh an sinh, xã hội, giảm bớt khó khăn cho người nghèo - có thể là cần thiết. Nhưng trong bối cảnh Nhà nước đang thu hẹp lĩnh vực kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hoá, thì liệu có nên ban hành thêm chính sách nặng về hành chính, thậm chí là quay trở lại quy định chưa phù hợp với kinh tế thị trường?.

Dù không thành hiện thực, những đề xuất khó hiểu đó cũng sẽ không có lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh đang cần được tiếp tục cải cách mạnh mẽ.

Phát triển bảo hiểm vi mô qua tổ chức chính trị - xã hội: "Hơi mạo hiểm"
Bản chất, bảo hiểm vi mô có tính chất thương mại, nhưng tờ trình của Chính phủ xác định là bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư