Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những hỗn loạn trong chuỗi cung ứng kéo giảm tăng trưởng toàn cầu
Lê Quân - 21/10/2021 11:55
 
Nhờ triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu bước ra khỏi đại dịch, nhưng đứt gãy các chuỗi cung ứng đang là vấn đề đau đầu đối với các nước.
Hàng nghìn container mắc kẹt tại Cảng Los Angeles, cửa ngõ giao thương của Bờ Tây nước Mỹ. Ảnh: AFP
Hàng ngàn container mắc kẹt tại Cảng Los Angeles, cửa ngõ giao thương của Bờ Tây nước Mỹ. Ảnh: AFP

Hệ lụy nguy hiểm

Đại dịch Covid-19 đã gây ra hệ lụy nguy hiểm về kinh tế, là đứt gãy các chuỗi cung ứng. 

Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trong năm 2020 đã khiến các ngành công nghiệp trên thế giới phải đóng cửa và sản lượng công nghiệp giảm sâu. Hầu hết người lao động trong tình thái ngừng việc hoặc làm việc bập bõm và nhu cầu tiêu dùng ở mức thấp.

Nhưng khi các lệnh phong tỏa chống dịch dần được gỡ bỏ và nhu cầu tiêu dùng bắt dầu phục hồi, thì các chuỗi cung ứng vẫn loay hoay khắc phục sự gián đoạn. Điều này đã đẩy các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa rơi vào hỗn loạn, họ không thể sản xuất hoặc cung cấp nhiều hàng hóa như trước đại dịch vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là thiếu lao động, linh kiện quan trọng, và thậm chí cả nguyên liệu thô.

Những nền kinh tế "đầu tàu" của thế giới đang đối mặt với vấn đề ngày càng nghiêm trọng về chuỗi cung ứng do những nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, Trung Quốc đang gặp phải cuộc khủng hoảng năng lượng do tình trạng thiếu điện ở nhiều địa phương, khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vài tháng gần đây.

Còn tại Anh, Brexit là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hụt tài xế xe tải. Mỹ và Đức cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Riêng Mỹ đang gặp phải tình trạng hàng hóa dồn ứ tại các cảng biển.

Tình hình "sẽ trở nên tồi tệ hơn"

Các nhà phân tích như Tim Uy từ Công ty phân tích rủi ro Moody’s Analytics cho rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng "sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình tốt trở lại". Ông Tim Uy nhận định, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục phục hồi, nhưng đà phục hồi sẽ bị cản trở bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở mọi góc độ.

"Các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại thời dịch, việc chưa sẵn sàng cấp hộ chiếu vắc-xin toàn cầu, cộng với nhu cầu bị dồn nén trong nước đã hợp thành một cơn bão hoàn chỉnh và hoạt động sản xuất trên thế giới sẽ bị mắc kẹt vì khâu phân phối, giao hàng không kịp nhu cầu, chi phí và giá cả sẽ tăng lên, và kết quả là tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ không mạnh mẽ", ông Tim Uy lập luận.

Ở thời điểm hoạt động hiệu quả nhất, các chuỗi cung ứng toàn cầu giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, thường là nhờ giảm chi phí lao động và vận hành liên kết với nhà sản xuất, đồng thời thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong doanh nghiệp.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã lộ ra yếu điểm trong kết nối các mắt xích cũng như sự mất ổn định trong các chuỗi cung ứng trên thế giới. Các nút thắt chuỗi cung ứng và những tắc nghẽn trong sản xuất đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa khác nhau, từ việc thiếu hụt thiết bị điện tử và ô tô do thiếu chip bán dẫn, đến khó khăn trong việc cung cấp thịt, thuốc men, và đồ gia dụng.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu đã tăng vọt. Không những vậy, tình trạng thiếu tài xế xe tải ở cả hai khu vực này càng làm trầm trọng thêm vấn đề vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Hệ lụy là giá cả hàng hóa lên kệ càng trở nên đắt đỏ.

Khi các nền kinh tế vững vàng trở lại, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện ra trước mắt và trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các chính phủ phải đương đầu. Người dân háo hức chi tiêu trở lại nhưng cũng sớm ngán ngẩm vì hàng hóa vắng vẻ và đắt đỏ.

Các quan chức Nhà Trắng nhận định, người Mỹ có thể phải đối mặt với giá cả hàng hóa tăng cao hơn và kệ hàng thưa thớt hơn trong kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới 2022, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang dốc sức để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hàng hóa ở các cảng biển.

Cả Trung Quốc và châu Âu đều đang gặp vấn đề về tăng trưởng do các chuỗi cung ứng. Theo số liệu chính thức được công bố đầu tuần, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2021 tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, do sản xuất công nghiệp trong tháng 9 chỉ tăng trưởng 3,1%, thấp hơn mức kỳ vọng là 4,5%.

Bình luận về mức tăng trưởng quý III của Trung Quốc, bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính - ngân hàng ING (Hà Lan) cho rằng: "Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19 trong khi đó hoạt động của một số cảng biển cũng bị ảnh hưởng trong quý III/2021 và tình trạng thiếu chip vẫn tiếp tục trong quý này".

"Sự gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ còn kéo dài do giá cước vận tải vẫn ở mức cao và tình trạng thiếu chip vẫn là một vấn đề cấp bách đối với nhiều lĩnh vực như sản xuất thiết bị, ô tô, và thiết bị viễn thông", bà Iris Pang dự đoán.

Tuần trước, các nhà kinh tế hàng đầu của Đức cảnh báo rằng "tắc nghẽn nguồn cung sẽ tiếp tục đè nặng lên sản xuất trong thời gian tới" và có khả năng cản trở tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Chuỗi cung ứng dầu ăn toàn cầu rơi vào vòng xoáy "cơn bão kinh hoàng"
Trong một đồn điền cọ dầu lớn ở Malaysia, xen giữa những khóm cọ non là những hạt giống dưa hấu nảy mầm trong luống đất mới cày, còn bò...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư