Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những start-up đã “lớn” và câu chuyện viết về doanh nhân
Hồng Phúc - 27/09/2019 15:49
 
Câu chuyện về giới kinh doanh, về những con người luôn chọn con đường đi khó khăn hơn để phụng sự xã hội luôn ẩn chứa sự hấp dẫn với người cầm bút. Nhưng không dễ để được đi cùng với họ, là người kể những câu chuyện truyền cảm hứng.
 Báo Đầu tư luôn có mặt trong các sự kiện thời sự. Trong ảnh: Nhóm phóng viên Báo Đầu tư tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển năm 2019. Ảnh: Hồng Hạnh
Báo Đầu tư luôn có mặt trong các sự kiện thời sự. Trong ảnh: Nhóm phóng viên Báo Đầu tư tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển năm 2019. Ảnh: Hồng Hạnh

Những start-up đã lớn…

Nguyễn Hoàng Tiễn và Bùi Thanh Tâm là nhà sáng lập hai dự án khởi nghiệp mà Báo Đầu tư từng có bài viết vài năm trước. Cả hai từng có không ít khó khăn trong kinh doanh, song đều chọn cách không bỏ cuộc, từng bước thay đổi cho phù hợp với thị trường. Sự hấp dẫn trong câu chuyện kinh doanh của Tiễn và Tâm đến từ sự chọn lựa đó.

Bùi Thanh Tâm xây dựng thương hiệu Bánh mì Xin chào tại Nhật Bản trước khi đưa mô hình kinh doanh này về Việt Nam. Tất nhiên, thành công không phải là một đẳng thức có tính bắc cầu, cho dù người sáng lập có khát khao tốt đẹp là đưa mô hình ăn uống sạch đến với mọi người tại quê hương.

2 năm sau khi cửa hàng Bánh mì Xin chào tại Nhật Bản đi vào ổn định, Tâm “mang củi về rừng”, khai trương Bánh mì Xin chào tại TP.HCM vào tháng 10/2018.

Tâm kể, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng bộ máy, chưa kể mô hình này va chạm trực tiếp vào thói quen tiêu dùng ăn uống vỉa hè của dân đô thị.

Rồi Bánh mì Xin chào tại TP.HCM phải tạm ngưng để cải tổ. Tâm quay lại Tokyo (Nhật Bản) vào nửa cuối tháng 4/2019, mở thêm một cửa hàng Bánh mì Xin chào Cafe theo phong cách Hội An giữa trung tâm khu du lịch Asakusa tại Thủ đô của xứ sở Hoa anh đào.

Không chỉ là bánh mì và cà phê, Tâm lên ý tưởng cùng người Việt khởi nghiệp tại Nhật với mô hình kinh doanh kết hợp như mở lớp tiếng Việt, người Việt dạy cho người Nhật; mở lớp tiếng Anh, người Việt dạy cho người Việt, cho người Nhật và người nước ngoài

“Bánh mì Xin chào sẽ thay đổi, cải tổ để phát triển ngay tại sân nhà. “Tâm và Bánh mì Xin chào sẽ không bỏ cuộc”, Tâm chia sẻ và kỳ vọng sẽ sớm hoạt động trở lại.

Còn ở Nhật, đội ngũ của Tâm đang chắc tay chèo, với mục tiêu đến trước Olympic Tokyo 2020, hình thành chuỗi cửa hàng với các mô hình kinh doanh khác nhau, hoạt động rộng khắp, hiệu quả, tạo bàn đạp cho các kế hoạch kế tiếp.

Câu chuyện của Tâm và Bánh mì Xin chào sẽ còn nhiều điều để kể.

Sự hấp dẫn của Hoàng Tiễn và CoffeeBike cũng vậy.

3 năm trước, Tiễn chân ướt, chân ráo lập nghiệp với mô hình Cà phê CoffeeBike. Là doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn rất hạn chế, ngân sách dành cho truyền thông gần như 0 đồng, nhưng cùng với Tiễn và cộng sự, bài viết “Mang công nghệ đi bán cà phê” trên Báo Đầu tư đã truyền tải được niềm cảm hướng mới trong giới khởi nghiệp. CoffeeBike đã được biết đến với hình ảnh là cà phê công nghệ, từ pha chế đến bán hàng, với mục đích mang cà phê ngon, sạch đến gần mọi người hơn.

“Sau 3 năm, đã có nhiều thay đổi với doanh nghiệp. Nhưng, thay đổi lớn nhất diễn ra chính bên trong tôi, cũng như sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Chúng tôi đều “lớn” hơn thời điểm bài báo ra đời khá nhiều”, Hoàng Tiễn chia sẻ.

Nghe Tiễn kể, cảm giác như những khát khao của 3 năm trước trong bài viết vẫn còn nóng hổi, thậm chí có phần mạnh mẽ hơn. Tiễn vẫn mường tượng mình như một chú ngựa còn non, xông pha ra thương trường mà chẳng cần biết ngoài ấy có nguy hiểm gì hay thách thức nào đón chờ. 

“Thương hiệu CoffeeBike phát triển như một con người thực sự. Có lẽ dần trưởng thành, sẽ “kiệm lời” hơn, làm nhiều hơn. Như thể, lúa càng chín càng cúi đầu, sông càng sâu càng tĩnh lặng…”, nhà sáng lập CoffeeBike chia sẻ.

Từ mô hình bán cà phê trên xe đạp thời điểm mới thành lập, CoffeeBike đang hướng đến mô hình nhượng quyền. Đến nay, CoffeeBike đang có 15 cửa hàng thông qua hình thức này tại nhiều tỉnh, thành phố, hàng ngày cung cấp hàng ngàn ly cà phê cho khách hàng.

Còn Tiễn, gần đây vừa trở thành đồng sáng lập của xưởng rang cà phê An Roastery cùng kỳ vọng có thể khai mở hương vị vốn có trong từng hạt cà phê. Chuyện về cà phê và nhà khởi nghiệp trẻ Nguyễn Hoàng Tiễn sẽ chưa dừng lại…

Những nhân vật truyền cảm hứng

Chuyện của doanh nhân đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều lớp lang và vô cùng khó nắm bắt như chính hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Phóng viên chuyên viết mảng này luôn đối mặt với nhiều áp lực. Áp lực từ thông tin, những câu chuyện xung quanh… và từ chính nhân vật. Nhưng chính thử thách không lần nào giống lần nào khiến người viết luôn được đặt trong thế phải vượt qua, như một chất xúc tác.

Có hai nhân vật tôi muốn kể lại. Đó là ông Út Huy ở Long An, người đã đưa chuối Việt lên bàn ăn quốc tế và “Việt kiều té giếng” Nguyễn Thanh Mỹ.

Tôi biết đến TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới tổ chức cuối tháng 11/2016 tại TP.HCM. Khi đó, tất cả thông tin có được vẻn vẹn vài dòng, ông là người Việt, có quốc tịch Canada, quê Trà Vinh. Nhưng, sau khi nghe ông hiến kế với lãnh đạo UBND TP.HCM về hệ thống nước thông minh, góp phần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, tôi muốn kể câu chuyện này rộng hơn. Với ông, có thể đây là điều ông muốn làm vì mong muốn góp phần vào sự phát triển của quê hương, như sau này ông nói, nên không cần phải lan rộng, nhưng với tôi, bầu nhiệt huyết không tuổi của ông với công nghệ mới, mong muốn đưa công nghệ vào thay đổi cuộc sống của người dân vùng lũ… là một câu chuyện truyền cảm hứng.

Một tháng sau đó, tôi đã gửi hàng chục email với thư ký của ông Mỹ để thuyết phục, thống nhất về thời gian cuộc hẹn, địa điểm cũng như chủ đề bài viết. Để có được cuộc hẹn đã khó, thực hiện buổi phỏng vấn còn khó hơn khi người viết vẫn còn qua non. Bài viết Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ: Người đem “Silicon Valley” về Trà Vinh đã ra đời với nhiều cảm xúc.

Ông Út Huy là cái tên nhiều người gọi ông Võ Quang Huy, người đi khai hoang nổi tiếng, đang canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp.

“Tôi là nông dân, có gì đâu mà phỏng vấn”, ông Huy thẳng thắn từ chối. 

Ông Út Huy là người Nam Bộ, tôi nghĩ, xưng hô chú - con có lẽ phù hợp và phần nào cắt đi khoảng cách với nhân vật.

“Chú ơi, chú yên tâm, khi viết bài xong, con sẽ gửi lại để chú góp ý. Hôm nào chú lên trang trại ở Tây Ninh, con bắt xe lên đó gặp chú nha”. Đó là 1 trong những đoạn hội thoại tôi đã nói với ông Út Huy trước khi nhận được sự đồng ý hẹn gặp.

Rồi sau đó là hành trình ra bến xe An Sương, mua vé xe khách Đồng Phước đến gặp nhân vật tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Một khi đã hứa, ắt phải thực hiện. Bài viết xong, tôi gửi đến email của ông và khoảng 11 rưỡi đêm, ông nhắn lại rằng, còn đoạn viết dễ gây hiểu lầm và ông sẽ gọi điện thoại để trao đổi lại.

Một cuộc gọi kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ sau đó để thống nhất những thông tin nào cần được sửa đổi. Thực tế, đã không có bật mí nào trong buổi phỏng vấn được ông Huy yêu cầu bí mật trở lại cả. Ông chỉ muốn các câu từ thực sự chính xác, như chính con người ông.

Bài “Doanh nhân Võ Quan Huy: Đưa chuối Việt lên bàn ăn quốc tế” đã lên hình như vậy, mang theo cả tiếng cười rổn rảng, cả mồ hôi và tham vọng đi sâu hơn nữa vào thị trường chuối toàn cầu có giá trị tới 17 tỷ USD của ông nông dân miệt vườn, mái tóc bạc cùng dáng người cao, to sừng sững…

Với người viết, bài học thật lớn về sự cẩn trọng trong từng câu từ, trong từng nhận định để thực sự là người kể chuyện đáng tin cậy.

Ý kiến – Nhận định:

Sự hấp dẫn của một bài báo đến từ sự đa dạng về cách thể hiện, sự sâu sắc về nội dung
(Ông Phạm Anh Cường, Founder & CEO Hệ sinh thái doanh nghiệp BestB, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital)

Mỗi buổi sáng tôi thường lướt các báo online về kinh tế - chính trị và khởi nghiệp, để theo kịp các tin tức chủ đề nóng xoay quanh kinh tế và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cá nhân tôi hay các doanh nghiệp luôn mong muốn báo chí cung cấp những thông tin minh bạch, chính xác và thời sự. Đồng thời, có những phần đánh giá chuyên sâu, góc nhìn chuyên gia để các doanh nghiệp thêm những kiến thức bổ ích cách thức quản trị doanh nghiệp kiểu mới, bắt kịp xu hướng hiện đại của công nghiệp 4.0.

Sự hấp dẫn của một bài báo đến từ sự đa dạng về cách thể hiện, sự sâu sắc về nội dung và cả những hình ảnh thời sự được thể hiện bắt mắt và ấn tượng.

Báo Đầu tư đã xuất hiện đúng thời điểm
(Ông Nguyễn Hoàng Tiễn, nhà sáng lập CoffeeBike)

Sự gặp gỡ giữa thương hiệu CoffeeBike và Báo Đầu tư là đúng thời điểm. Năm đầu tiên của doanh nghiệp khởi nghiệp luôn là năm nhiều kỷ niệm và cột mốc quan trọng nhất. Báo Đầu tư đã xuất hiện thực sự ấn tượng. Cho đến giờ, tôi vẫn chia sẻ lại bài viết trên Báo Đầu tư trên trang cá nhân hoặc Fanpage của thương hiệu CoffeeBike.

Thông qua bài viết, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được quan tâm nhiều, trong đó có hệ thống đối tác và nhà đầu tư tiềm năng sau này. Chúng tôi cũng từ đó có thêm thông tin để nhìn lại quá trình phát triển của mình, từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp hơn.

Những giá trị tích cực Báo Đầu tư đã tạo ra, sẽ vẫn luôn ở đó, nhẹ nhàng mang đến những cảm giác hạnh phúc từ tận trong tâm cho độc giả. Tôi luôn tin rằng, giá trị trong 28 năm vừa qua, là nền tảng vững chắc, để xây dựng nên một thương hiệu báo chí luôn được độc giá yêu quý và đánh giá cao.

Các bạn xứng đáng nhận được sự yêu quý và ủng hộ nhiệt thành từ cộng đồng độc giả.

Cuộc đua giữ niềm tin của độc giả
Trong hành trình nuôi dưỡng niềm tin từ độc giả, không còn cách nào khác là cơ quan báo chí phải lấy độc giả làm trung tâm, nắm bắt được mong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư