Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 05 năm 2025,
Những thành tựu nổi bật của Hải Phòng trong phát triển kinh tế
Nhị Thanh - 18/05/2025 16:21
 
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc.
Cảng quốc tế Lạch Huyện - điểm xuất phát và đến của những con tàu quốc tế xuyên Thái Bình Dương.  Ảnh: Phạm Dũng

Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Các phương hướng phát triển Thành phố đề ra tại các lần Đại hội Đảng bộ Thành phố đã được Thành ủy, các cấp ủy bám sát, xây dựng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương và đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt, các lĩnh vực.

Thứ nhất, trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024), Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng và ổn định nhất cả nước trong suốt một thập kỷ.

Thứ hai, năm 2024, TP. Hải Phòng nằm trong Top 5 địa phương có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lớn nhất cả nước (đứng thứ 3), cùng với TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố đối với sự phát triển kinh tế của cả nước.

Thứ ba, trong 3 năm liên tiếp (2022 - 2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng trưởng liên tục qua các năm, nhiều năm vượt dự toán Trung ương giao. Năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng và tiếp tục duy trì kết quả đó đến nay. Ước bình quân thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 tăng 7,06%/năm, trong đó, thu nội địa tăng 9,27%/năm.

Thứ tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP.

Hải Phòng đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Thành phố thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước (Vingroup, Sun Group, Geleximco…) đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, với nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.

Hải Phòng là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao gấp 1,55 lần so với bình quân chung cả nước.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều năm liền, Thành phố nằm trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Dòng vốn đầu tư tập trung mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo (nhất là trong lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc, thiết bị), dịch vụ cảng biển và logistics, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng Top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Năm 2024, TP. Hải Phòng đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước đó.

Lũy kế đến hết ngày 20/4/2025, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 33,62 tỷ USD của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 20,2 tỷ USD, gấp 1,89 lần giai đoạn 2016 - 2020 (đạt 10,67 tỷ USD), đưa Hải Phòng trở thành địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mỗi năm có 3.384 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 11,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,17 lần về số doanh nghiệp và gấn 1,56 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ năm, sau 16 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập khu kinh đầu tiên của Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải), một dấu ấn quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược của Thành phố là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024, với quy mô 20.000 ha. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới, phát triển theo mô hình xanh - thông minh - toàn diện, nâng tầm Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu quốc gia.

Thứ sáu, quy mô GRDP của Thành phố năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 3,4 lần năm 2015 và 1,62 lần năm 2020. Hải Phòng là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, gấp 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm). Đây là sự khẳng định về tiềm năng, vị thế, vị trí địa chính trị duy nhất ở miền Bắc cũng như sự quyết tâm của địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trở thành đô thị năng động, hiện đại, là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới.

Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 43,86% năm 2024. Đây là tỷ lệ khá cao, thể hiện quyết tâm của TP. Hải Phòng nhằm hoàn thành mục tiêu là địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, năm 2024 đạt 9.486 USD/người, gấp hơn 20 lần so với năm 2003 - khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuyến đường nối Hải Dương với TP. Hải Phòng dự kiến khởi công tháng 7/2025
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối quốc lộ 17B (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (TP. Thuỷ Nguyên, Hải Phòng)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư