Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Những vệt nứt hầm Hải Vân cần theo dõi chặt chẽ nhưng chưa đáng lo ngại
Anh Minh - 25/10/2017 13:43
 
Đây là khẳng định của PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) liên quan đến một số vệt nứt tại vỏ bê tông hầm đường bộ Hải Vân.
Các vệt nứt này chủ yếu là do lớp sơn epoxy cho đoạn phía chân hầm (tuổi thọ của sơn khoảng 5 năm), đến nay lớp sơn này bị lão hóa sau 12 năm sử dụng, tạo ra các vệt sơn bị bong (rộng khoảng 1-3cm)
Các vệt nứt này chủ yếu là do lớp sơn epoxy cho đoạn phía chân hầm (tuổi thọ của sơn khoảng 5 năm), đến nay lớp sơn này bị lão hóa sau 12 năm sử dụng, tạo ra các vệt sơn bị bong (rộng khoảng 1-3cm)

Ông Trần Chủng cho rằng, qua theo dõi hồ sơ và kết quả kiểm tra tại hiện trường, đến thời điểm này có thể khẳng định đây không phải là các vệt nứt bất thường, về cơ bản là phản ứng thông thường của quá trình ninh kết, co ngót, từ biến của khối bê tông vỏ hầm.

Ông Chủng cho biết, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân (năm 2000-2005), dài 6.280 m là hầm đường bộ có quy mô và chiều dài lớn nhất Việt Nam và cũng lớn nhất Đông Nam Á. Hầm Hải Vân được người Nhật giúp chúng ta thiết kế, giám sát quá trình thi công. Công việc thi công hầm cũng có sự tham gia của các công ty Nhật Bản. 

Đáng lưu ý là, công nghệ NATM được áp dụng cho xây dựng hầm đường bộ Hải Vân là phương pháp đào đường hầm mới của Áo, được dùng phổ biến nhất hiện nay khi thi công các đường hầm xuyên núi. Trong phương pháp tiên tiến này, kết cấu đá núi được sử dụng làm kết cấu chịu lực của hầm, phần bê tông vỏ hầm dày 35 cm được đổ sau đó không có chức năng chịu lực. Chính vì vậy, việc hầm Hải Vân xuất hiện những vệt nứt (nhiều vết xuất hiện chỉ 1 -2 năm sau khi đưa vào khai thác) cần theo dõi chặt chẽ nhưng chưa đáng lo ngại.

Được biết, từ, tháng 1/2016 Công ty CPĐT Đèo Cả nhận bàn giao hầm Hải Vân 1 từ Bộ GTVT, đến tháng 5/2016 Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện khảo sát toàn bộ các vết nứt trong hầm (do Tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của CHLB Đức thực hiện bằng thiết bị quét tự động toàn bộ hầm), đã cho thấy trong hầm đang tồn tại một số vết nứt, trong đó có 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu.

Đến tháng 12/2016 đã hoàn thành việc sửa chữa 8 vết nứt được đánh giá là có rủi ro về an toàn, được Bộ GTVT và HĐNTNN nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Như vậy, về mặt kết cấu và an toàn giao thông, đến nay là hoàn toàn không có vấn đề gì và việc các vết nứt xuất hiện là trước thời điểm bàn giao công trình cho Công ty CPĐT Đèo Cả quản lý, vận hành.

Thực tế việc kiểm tra hiện trường các vết nứt hiện nay cho thấy các vết nứt này rất nhỏ (chỉ có thể nhìn thấy bằng cách quan sát qua kính lúp) và hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm và cho an toàn giao thông.

“Do trước kia hầm Hải vân được sơn epoxy cho đoạn phía chân hầm (tuổi thọ của sơn khoảng 5 năm), đến nay lớp sơn này bị lão hóa sau 12 năm sử dụng, cùng với xuất hiện các vết nứt của vỏ hầm dẫn tới việc tạo ra các vệt sơn bị bong (rộng khoảng 1-3cm) mà nhiều người qua đường đang lầm tưởng đó là các vết nứt của vỏ hầm. Những vết nứt này xuất hiện đã lâu và ổn định nên Công ty CPĐT Đèo Cả sẽ cho sơn lại để đảm bảo mỹ quan cho hầm trong thời gian tới”, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả cho biết.

Theo ông Mai, đặc tính của phần vỏ hầm là phần không chịu lực, mà là phần để lắp đặt thiết bị, tạo thẩm mỹ cho hầm. Ngoài ra kết cấu này làm bằng bê tông thường nên khả năng chống nứt là không có, do đó theo thời gian và tác động của yếu tố tự nhiên (nhiệt độ, độ ẩm) sẽ hình thành các vết nứt. Về bản chất, vết nứt chỉ nguy hiểm khi nó có vị trí và độ mở rộng nhất định (đã được quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành). Qua khảo sát thực tế bằng thiết bị tự động, hiện đại của CHLB Đức cũng như đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản và CHLB Đức, số lượng vết nứt nguy hiểm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đang ở trạng thái chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho kết cấu và người tham gia giao thông, và hiện đã được sửa chữa xong. Các vết nứt còn lại đều rất nhỏ và không ảnh hưởng đến sự an toàn của vỏ hầm và giao thông. Do các vết nứt này làm bong sơn, làm mất mỹ quan trong hầm nên sẽ được sơn lại để đảm bảo mỹ quan và tâm lý cho người qua hầm.

Hiện nay đang thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 nên chưa phù hợp để xử lý dứt điểm các vết nứt, do đó, để chắc chắn cho việc an toàn kết cấu hầm Hải Vân 1 và giao thông trong hầm này, Công ty CPĐT Đèo Cả thường xuyên tổ chức việc giám sát chặt chẽ các vết nứt hiện nay, nếu có bất cứ vấn đề gì sẽ tiến hành sửa chữa kịp thời. tuy nhiên, sau gần 1 năm thi công nổ mìn đào mở rộng hầm Hải Vân 2 (phía nam đào được khoảng 200m, phía bắc đào được khoảng 800m), chưa có bất kỳ vấn đề nào đối với các vết nứt hiện hữu trong hầm Hải Vân 1 và không có thêm vết nứt mới ở đây. Như vậy có thể khẳng định rằng biện pháp thi công đào mở rộng hiện nay cũng như hiện trạng kết cấu vỏ hầm Hải Vân 1 là đảm bảo an toàn cho việc sử dụng liên tục công trình này.

Việc duy trì vận hành hầm Hải Vân 1 (hầm Hải Vân đang khai thác hiện nay) liên tục trong khi thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 (hầm Hải Vân đang thi công mở rộng) phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho hầm Hải Vân 1 đã được Tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) nghiên cứu kỹ và đưa ra phương án, được Bộ GTVT chấp thuận, được Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện chuẩn xác, do đó đến nay đã hơn 22 tháng (từ tháng 1/2016), chưa có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong việc vận hành hầm Hải Vân 1 liên tục. Ngoài ra điều kiện vận hành của Hầm Hải Vân 1 được cải thiện đáng kể sau khi Công ty CPĐT Đèo Cả sửa chữa hệ thống chiếu sáng, thông gió, PCCC, cứu nạn cứu hộ. Qua các đợt kiểm tra trực tiếp công trình của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, đều cho thấy việc vận hành hầm Hải Vân 1 trong khi thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 là đảm bảo an toàn về kết cấu cũng như giao thông.

Bình luận bài viết này
  • Đỗ Đình Hào 15:59 | 25-10-2017
    Đáng lo ngại lắm rồi.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư