Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 02 tháng 11 năm 2024,
Những yếu tố tác động giúp cổ phiếu ngân hàng bứt phá
Vân Linh - 02/03/2021 13:41
 
Tuy chưa hết khó khăn do tác động của đại dịch covid-19, song triển vọng đối với ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tích cực khi mặt hàng lãi suất giảm dần, kích cầu tín dụng tăng.

Triển vọng về lợi nhuận

Trong báo cáo "Vietnam-Asia's new success story", PYN Elite Fund tin rằng, triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam những năm tới rất tích cực.

PYN tin rằng, với các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, gồm tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN-Index hoàn toàn có thể lên mức 1.800 điểm trong năm 2022. Khi đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt đà tăng.

“Cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi từ diễn biến giá không tích cực trong một vài năm qua. Trong thời gian đó chúng tôi đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục lên gần 40%. Chúng tôi tin rằng, các ngân hàng này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới và đồng thời tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ mạnh mẽ”, PYN chia sẻ trong tài liệu mới nhất gửi nhà đầu tư

Trong khi đó, tại báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ở nhóm các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN bắt đầu giảm trong quý IV/2020.

Cụ thể, tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tại một số ngân hàng niêm yết đã giảm từ 2,6% (quý III/2020) xuống còn 2% (quý IV/2020).

Đến cuối năm 2020, nợ xấu của Vietcombank ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,6% trên tổng dư nợ.

VietinBank cũng đạt kết quả rất khả quan khi đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay chỉ còn 0,94%, giảm mạnh so với mức 1,87% ở thời điểm cuối quý III/2020 và cũng thấp hơn mức 1,16% cuối năm 2019.

Thậm chí, Techcombank còn gây bất ngờ lớn hơn khi đưa tỷ lệ nợ xấu của mình xuống mức 0,5%, thấp hơn mức 0,6% cuối tháng 9/2020 và 1,3% của năm 2019.

BSC cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.

SSI Research thì ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng  lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%) do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).

Theo SSI Research, các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) cải thiện nhẹ.

SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với cùng kỳ. Theo đó, năm 2021, SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với cùng kỳ.

Lãi suất giảm kích cầu tín dụng 

Các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2 - 2,5% trong năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020 kéo dài sang 2021.

Theo nhận định của SSI, lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi tăng trưởng yếu ớt trong 6 tháng đầu năm 2020 khi chỉ đạt 3.26%, tín dụng dần khởi sắc trong quý 3 khi tăng hơn 2.8% và đặc biệt bứt phá trong quý 4/2020 khi tăng hơn 6% trong thời gian vỏn vẹn 3 tháng cuối năm, tương đương một nửa mức tăng trưởng của cả năm 2020, giúp mục tiêu tăng trưởng 12% được hoàn thành và vượt kỳ vọng đặt ra chỉ 9-10% trước đó.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 12% nhưng các chuyên gia kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng này sẽ khả quan hơn với con số 12%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết. Với định hương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, năm 2021, NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đáp ứng đủ 2 yếu tố: có sức khỏe tài chính; có khả năng tăng trưởng.

Theo đó, các ngân hàng có thể được nới room tăng trưởng tín dụng bao gồm: Techcombank,  ACB, VPBank, TPBank, VIB, MB...

Trong khi đó, phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank(VCBS) cho thấy, nhóm ngân hàng lớn Big4 như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank tiếp tục phải chịu áp lực giảm lãi suất đầu ra khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái thay đổi về chính sách điều hành

Chính những yếu tố trên đã tác động lên nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân đã có sự bứt phá vượt trội hơn gần đây.

Trong tuần giao dịch cuối tháng 2/2021 ghi nhận hầu hết các mã cổ phiếu "vua" tăng giá. Trong đó, ACB là mã tăng giá mạnh nhất, với mức tăng gần 9% và đang ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu. MBB dẫn đầu về thanh khoản với gần 72,1 triệu đơn vị. Kết phiên sáng 2/3, cổ phiếu MB ở mức 28.200 đồng/cổ phiếu.

VPB cán mốc 40.800 đồng/cổ phiếu; TCB cán mốc 40.200 đồng/cổ phiếu; VIB lên 43.2000 đồng/cổ phiếu; HDB tăng lên 26.200 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, LPB tăng trần trong phiên ngày 1/3, thanh khoản kỷ lục hơn 36 triệu đơn vị và kết phiên ngày 2/3 ở mức 16.100 đồng/cổ phiếu. 

Nền kinh tế tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát cùng với quyết định được nới room tăng trưởng tín dụng, nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng tư nhân và cổ phiếu nhóm ngân hàng này trong thời gian tới. 

Đáng chú ý trước thông tin các ngân hàng đã chốt lịch đại hội cổ đông thường niên 2021 để thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức "khủng" để tăng vốn như: VIB dự kiến chia 40% cổ phiếu thưởng; OCB dự kiến chia 25% cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhưng bên cạnh đó, áp lực dự phòng rủi ro gia tăng cũng sẽ tác động lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 2021. Thực tế, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nợ xấu tăng sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn và phải trích lập 100% dự phòng rủi ro).   

Cổ phiếu ngân hàng đắt hàng vì triển vọng tăng giá
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục “dậy sóng” trong những ngày giữa tháng 12/2020 và kỳ vọng còn tăng giá trong thời gian tới trước làn sóng lên sàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư