Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng trước làn sóng niêm yết, chuyển sàn
Vân Linh - 16/11/2020 08:32
 
Giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng trong thời gian qua và dự báo chưa chấm dứt chuỗi đi lên cho đến hết năm 2020, nhất là khi có làn sóng nhà băng niêm yết, chuyển sàn, lên UPCoM.
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt với những ngân hàng chuyển sàn. Ảnh: C.C
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt với những ngân hàng chuyển sàn. Ảnh: C.C

Giao dịch “khủng”

Cổ phiếu ngân hàng đã có thời gian tăng điểm kéo dài từ đầu năm đến nay, nhưng càng về cuối năm lại có những tác nhân mới đẩy giá cổ phiếu “vua”. Đáng chú ý là hiện tượng giao dịch “khủng” đối với một số mã gần đây.

Chẳng hạn, thông tin chuyển sang niêm yết tại sàn HoSE vào cuối năm nay đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu ACB. Ngày 12/11, thị giá cổ phiếu ACB tăng gần 4% so với giá tham chiếu, lên 26.400 đồng/cổ phiếu - mức đỉnh từng thiết lập vào tháng 4/2018. Thị giá ACB đã tăng 50% so với đầu năm và cao hơn 93% so với đáy cuối tháng 3/2020. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 19 triệu cổ phiếu, cao thứ tư từ khi mã này giao dịch trên HNX.

ACB đang trong quá trình chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. Giữa tháng 10/2020, HoSE thông báo nhận hồ sơ niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu của ACB.

Trong khi đó, theo dữ liệu giao dịch tại HNX, trong 10 phiên giao dịch gần nhất (30/10 - 10/11), đã có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB (Kienlongbank) được các nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch tổng cộng gần 1.403 tỷ đồng. Đây hoàn toàn là giao dịch nội khối của các nhà đầu tư trong nước và cũng là mức giao dịch cao nhất kể từ khi cổ phiếu KLB lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Làn sóng niêm yết, chuyển sàn đã tác động lên cổ phiếu “vua” trong thời gian qua. Đây chính là lý do các lãnh đạo ngân hàng và người thân tranh thủ “gom” hàng hoặc tìm cơ hội thoái vốn. Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội, ông Lưu Trung Thái vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MB trong thời gian từ ngày 21/10 - 19/11/2020 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn.

Bà Ngô Minh Hiền, vợ ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB vừa mua xong gần 3 triệu cổ phiếu VIB, giao dịch từ ngày 12/10 đến 11/11, theo phương thức khớp lệnh. Trước đó, bà Hiền đã đăng ký mua 3,2 triệu cổ phiếu, nhưng chưa thể hoàn tất giao dịch do giá không đạt kỳ vọng.

Sau giao dịch, bà Hiền giữ gần 3 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,32% vốn điều lệ của ngân hàng này. Ngoài ra, ông Long cũng đang nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 0,43%...

Đua lên sàn, cổ phiếu tăng giá

Các mã cổ phiếu ngân hàng vừa chào sàn như LPB của LienvietpotsBank và VIB đã tăng trên dưới 15% trong 2 ngày chào sàn (lần lượt 9 và 10/11). Cổ phiếu VIB đang giao dịch ở mức 32.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá chào sàn 32.300 đồng/cổ phiếu.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu dự kiến chuyển sang niêm yết tại HoSE vào cuối năm 2020. Việc chuyển sàn này sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do thanh khoản cao.

Trước đó, hơn 924 triệu cổ phiếu VIB đã được chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 10/11, với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu VIB đạt mức 32.800 đồng/cổ phiếu, tăng 1,5% so với giá tham chiếu, với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 58 tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020. Doanh thu thuần ngoài lãi đạt hơn 2.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, với việc cổ phiếu VIB niêm yết trên sàn HoSE, Ngân hàng kỳ vọng và tin tưởng sẽ mang lại những giá trị ngày càng cao hơn cho cổ đông về sự minh bạch, về quy mô giao dịch, về tính thanh khoản của cổ phiếu. Đồng thời, đây cũng là động lực quan trọng để VIB tiếp tục đà tăng trưởng năng động với tốc độ cao và bền vững đã thiết lập trong nhiều năm qua, mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư, nhân viên.

Còn theo Ngân hàng Hàng hải, việc niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn là mục tiêu quan trọng, góp phần giúp ngân hàng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng, cán bộ, nhân viên.

Trong khi đó, Ngân hàng OCB cũng dự kiến niêm yết cổ phiếu vào cuối năm nay.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư của Dragon Capital cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Ông Tuấn đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng đang dần tăng trưởng và nợ xấu không đáng lo ngại.

Người thân hai lãnh đạo VIB hoàn tất mua gần 5,4 triệu cổ phiếu
Ngân hàng VIB cho biết, bà Ngô Minh Hiền - vợ ông Hồ Vân Long, Phó Tổnggiám đốc VIB vừa mua xong gần 3 triệu cổ phiếu VIB. Giao dịch từ ngày 12/10 đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư