Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Niềm tin là động lực chiến thắng Covid-19
Châu Phong - 27/02/2021 09:03
 
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về hành trình hơn một năm chiến đấu không mệt mỏi với Covid-19.
Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh
Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh

Trong cuộc chiến với Covid-19, hàng ngàn cán bộ y tế đã ngày đêm xả thân, đối mặt với hiểm nguy cho sức khỏe, tính mạng. Bản thân ông cũng đã trực chiến tại tất cả các điểm nóng, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi, Đà Nẵng và tới giờ là Hải Dương, có khi nào ông cảm thấy lo lắng, bất an?

Lo lắng có lẽ là trạng thái triền miên không dứt của cán bộ y tế chúng tôi, ngay cả từ khi Covid-19 chưa thâm nhập vào Việt Nam và tới nay dịch đã trải qua nhiều giai đoạn.

Nhưng những giây phút căng thẳng tột độ chính là thời điểm số lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh từng ngày trong đợt dịch tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Khi ấy, dịch tấn công chủ yếu vào các bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú, với nhiều bệnh lý mãn tính, mức độ nguy cấp rất cao. Vì vậy, dù các bác sỹ ở tuyến đầu của cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy vào chi viện, nỗ lực điều trị, song những trường hợp tử vong đầu tiên đã xảy ra.

Đã có những giọt nước mắt bất lực, những đêm trắng không ngủ, những bữa cơm ăn vội để dành thời gian chống dịch, khiến bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác luôn trong tình trạng căng thẳng.

Chỉ huy trưởng của trận đánh khi ấy là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tóc đã thêm vài phần bạc vì âu lo, đã thốt lên: “Mỗi ca tử vong như xát muối vào lòng”.

Nếp nhăn trên trán của chúng tôi chỉ được giãn ra khi có các tín hiệu tốt về điều trị ở các bệnh nhân. Tôi còn nhớ mãi cảm giác hạnh phúc, như chính bản thân mình hồi sinh lần nữa khi các bác sỹ tại Bệnh viện C Đà Nẵng thông báo một bệnh nhân trẻ đêm hôm trước còn đứng trước cửa tử, thì hôm sau tình trạng đã cải thiện, tiên lượng phục hồi tốt.

Căng thẳng như vậy, có lúc nào ông cảm giác lo sợ sẽ gục ngã và chính mình cũng trở thành bệnh nhân?

Như tôi đã nói, lo lắng là điều thường trực trong mỗi cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch, không chỉ riêng bản thân tôi, nhưng lo gục ngã thì không.

Dù trong giai đoạn đầu, khi chiến đấu với dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), kinh nghiệm chống dịch chưa nhiều, song mỗi cán bộ y tế đều nỗ lực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng phác đồ điều trị nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Tới các “trận đánh” sau ở Hạ Lôi, Đà Nẵng và giờ là Hải Dương, chúng tôi tự tin hơn vì đang làm khá tốt nhiệm vụ.

Covid-19 không loại trừ bất kỳ ai, nhất là với những cán bộ y tế đang chiến đấu ở tâm dịch. Tôi có một vài lần “hú hồn” khi nghĩ mình có thể đã nhiễm Covid-19. Lúc ấy, tôi nghĩ đến sự bất an, lo lắng của nhân viên y tế, của đồng nghiệp trong đoàn công tác. Nhưng sau đó, tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi triệu trứng mệt mỏi chỉ là hậu quả của áp lực công việc.

Có mặt tại khắp các điểm nóng, theo ông đâu là “chiến trường” ác liệt nhất?

Với tôi, cuộc chiến với Covid-19 tại Sơn Lôi, Đà Nẵng, hay Ninh Thuận, Bình Thuận và bây giờ tại Hải Dương đều mang dấu ấn riêng biệt. Nhưng trên tất cả, ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh nhân viên y tế ở các tuyến dự phòng, điều trị, xét nghiệm, các nhân viên hỗ trợ vòng ngoài đều mang một tinh thần lăn xả, hy sinh. Tất cả đều chung một tâm trí: quyết tâm chiến thắng trận này, người bệnh được bình phục và phải trở về nhà bình an.

Dù cuộc chiến có ác liệt tới đâu, thì trong tim mỗi cán bộ y tế luôn có niềm tin chiến thắng. Đôi khi, chỉ vài dòng chữ cảm ơn của bệnh nhân được viết lên tờ giấy A4 cũng giải tỏa được những căng thẳng chồng chất của chúng tôi trong những ngày tháng sục sôi vì Covid-19.

Hạnh phúc được nối dài khi mỗi bệnh viện được gỡ phong tỏa, người bệnh được trở về gia đình sau gần tháng trời xa cách.

Đặc biệt, có không ít ca bệnh Covid-19 có bệnh lý nền nặng đã hồi sinh một cách kỳ diệu. Số ca mắc ít dần, những nhân viên y tế đã trút được gánh nặng tâm lý, tự tin hơn trước cuộc chiến.

Vậy bài học từ Đà Nẵng có ý nghĩa thế nào với các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, thưa ông?

Từ sau khi xảy ra ổ dịch tại Bệnh viện C Đà Nẵng, lo ngại lớn nhất của mỗi cán bộ y tế là dịch sẽ tấn công vào điểm yếu tại các bệnh viện.

Qua hơn một năm chiến đấu với Covid-19, tôi và các đồng nghiệp đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để xây dựng cuốn Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện điều trị Covid-19, để sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến của đại dịch Covid-19.

Với kinh nghiệm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến cam go nhất và với năng lực điều trị đang được nâng lên ở các cơ sở y tế tuyến dưới, chúng ta đủ tự tin để đối phó với Covid-19.            

[Infographic] Nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dù có vaccine nhưng vẫn phải chú ý phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, tránh tình trạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư