Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Nợ xấu tiếp tục đè nặng lợi nhuận ngân hàng
Thùy Vinh - 09/05/2018 08:28
 
Nghị quyết 42/2017/QH14 đã cho phép các tổ chức tín dụng bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách, đẩy nhanh quá trình phát mãi tài sản. Tuy nhiên, những ngân hàng có khối nợ xấu lớn vẫn khó giải quyết và phải trích dự phòng cao.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin từ HĐQT Sacombank, tính đến nay, ngân hàng này còn 50.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý, tài sản đảm bảo chủ yếu bằng bất động sản. Mục tiêu xử lý nợ xấu trong năm nay được ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đưa ra là thu về 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu. 

.
.

Năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu, song tỷ lệ nợ xấu vẫn trên mức 3% - cao hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Vì thế, lợi nhuận năm qua của Sacombank bị ảnh hưởng do đòi hỏi dự phòng rủi ro cao và chỉ tiêu lợi nhuận năm nay của ngân hàng này chỉ là 1.600 tỷ đồng trước thuế. 

Trong thời gian gần đây, Sacombank là một trong những ngân hàng đẩy mạnh đấu giá bán nợ xấu, kể cả bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tự xử lý. 

Một trong số các ngân hàng phải mạnh tay trích dự phòng nhiều nhất trong quý đầu năm nay là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo Báo cáo tài chính quý I/2018 của BIDV, các nguồn thu của Ngân hàng đều tăng trưởng, nhưng chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn lợi nhuận trước trích lập, lên tới 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, BIDV báo lãi gần 2.500 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm nay, với lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 8,5%. Tính đến cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu của BIDV dường như đi ngang, ở mức 1,62%. 

Ngân hàng OCB cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, với tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh đạt 1.157 tỷ, tăng 93%. Chi phí hoạt động tăng 41,1%, lên 398 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 89%, lên 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận trước thuế của OCB là 619 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lãi trước thuế 2.000 tỷ trong năm nay, OCB đã hoàn thành được 31% kế hoạch năm, dù mới chỉ bước qua quý đầu năm 2018. 

Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của OCB là 77.628 tỷ đồng, giảm 7,9% so với thời điểm đầu năm. Huy động tiền gửi của khách hàng giảm 0,3%, xuống mức 53.047 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,8%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 51.974 tỷ đồng. Nợ xấu tuyệt đối tại OCB tăng 253 tỷ đồng, lên 1.117 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ nợ nhóm 3 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng từ 1,79% hồi cuối năm 2017 lên 2,13% cuối quý I/2018.

Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc đẩy mạnh phát mãi tài sản, nhưng cả VAMC và các ngân hàng thương mại vẫn rất thận trọng khi đưa ra giá bán và khó đưa mức giá khởi điểm thấp. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, ngay cả các công ty định giá cũng chưa chắc dám đưa ra mức giá bán quá thấp vì sợ rủi ro trách nhiệm. Chính điều này khiến quá trình xử lý nợ cũ tại các ngân hàng chưa thể đẩy nhanh, trong khi nợ xấu mới tiếp tục phát sinh, khiến gánh nặng dự phòng rủi ro chưa thể giảm, tác động lên lợi nhuận của nhà băng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư