Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nối dài danh sách các PMU đường bộ
Anh Minh - 26/06/2013 15:37
 
Quá trình sắp xếp lại các ban quản lý dự án trong ngành giao thông - vận tải đã có sự dịch chuyển đầu tiên, bắt đầu từ lĩnh vực đường bộ.
TIN LIÊN QUAN

Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, Đề án Sắp xếp lại các ban quản lý dự án (PMU) thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức bước vào giai đoạn thực hiện.

Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do PMU 2 quản lý

Cụ thể, vào đầu tuần trước, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đãù quyết định thành lập mới 2 PMU trực thuộc, thay vì tách ra từ một số PMU hiện có.

Cụ thể, PMU 3 (trụ sở tại Hà Nội) và PMU 8 (trụ sở tại TP.HCM) có nhiệm vụ giúp chủ đầu tư này quản lý điều hành các dự án đầu tư xây dựng, bảo trì đường bộ.

PMU 3, PMU 8 sẽ kế thừa 18 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng được điều chuyển từ PMU 2, PMU 6. Hai PMU này sẽ chuyển về trực thuộc Bộ GT - VT trong một vài tuần tới.

Đây là đợt sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống ban quản lý dự án thứ hai ở Bộ GTVT trong vòng 5 năm trở lại đây. Cách đây 5 năm, PMU 18, PMU 6, PMU 7 (vốn trực thuộc Bộ GTVT) sau khi sáp nhập với một số đơn vị khác đã được chuyển về hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng trong ngành giao thông. Các PMU thuộc các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành sẽ tập trung vào quản lý các dự án nhóm B”, một lãnh đạo thuộc Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Nếu như PMU 8 hiện vẫn chưa xong về mặt nhân sự, thì PMU 3 đã đi vào hoạt động ngay từ giữa tháng 6/2013, với công việc đầu tiên là làm thủ tục thông báo chuyển vai trò đại diện chủ đầu tư Dự án Quản lý tài sản đường bộ (WRAM) trị giá 6.000 tỷ đồng tới nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB).

Cần phải nói thêm rằng, thông tin về việc chuyển dịch một số đơn vị đại diện chủ đầu tư đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà thầu xây dựng, bởi các PMU nói trên đang quản lý 94 đầu dự án, với tổng mức tư lên tới 100.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 1577/QĐ - BGTVT về việc điều chỉnh nhiệm vụ chủ đầu tư và quản lý dự án đầu tư do Bộ này quản lý.

Cụ thể, có 31 dự án do PMU 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý chịu tác động của Quyết định này. Trong đó, có 7 dự án đang thực hiện đầu tư; 7 dự án đang chuẩn bị đầu tư hiện do PMU 2 quản lý sẽ được chuyển cho một PMU mới thuộc Tổng cục Đường bộ.

Số dự án do PMU 7 quản lý chịu tác động của Quyết định số 1577/QĐ - BGTVT là 38, trong đó, có 3 dự án đang thực hiện đầu tư; 5 dự án đang chuẩn bị đầu tư do PMU7 quản lý được điều chuyển vai trò đại diện chủ đầu tư cho một PMU mới thuộc Tổng cục Đường bộ.

Số dự án do PMU 6 quản lý chịu tác động của Quyết định số 1577/QĐ - BGTVT là 25. Ngoài việc chuyển đổi vai trò chủ đầu tư của một số dự án từ Bộ GTVT sang Tổng cục Đường bộ, PMU 6 được giữ nguyên vai trò đại diện chủ đầu tư 25 dự án.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các PMU trực thuộc tiếp nhận các dự án từ PMU 2, PMU 7 và tổ chức thực hiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ngày 24/6, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên vai trò chủ đầu tư, đơn vị này đang chỉ đạo sát sao để quá trình định vị lại đại diện chủ đầu tư không để đứt quãng tiến độ dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư