Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nỗi lo tăng viện phí
Trần Nga (KTĐTOnline) - 22/10/2015 13:45
 
Thông tin 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá vào tháng 11 tới đang trở thành vấn đề “nóng”, len lỏi vào từng bữa ăn giấc ngủ của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân.
Thu viện phí tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải
Thu viện phí tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều người than thở, viện phí tăng thì nỗi lo lại chồng chất nỗi lo.

Lo mua bảo hiểm y tế     

Chúng tôi đến Bệnh viện (BV) K cơ sở 2 ở Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) vào đầu giờ sáng. Các hàng ghế ở hành lang BV, ghế đá, tường bao quanh gốc cây đều chật kín người ngồi. Lân la hỏi chuyện bệnh nhân về vấn đề tăng giá viện phí sắp tới, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Ông Nguyễn Huy Tuấn (Lục Ngạn, Bắc Giang) xuống viện điều trị ung thư thực quản đã gần một tháng nay, thông tin tăng giá viện phí ông cũng mới nghe qua ti vi chứ chưa biết tăng cụ thể thế nào. Vậy nhưng, ông Tuấn cũng hiểu được rằng: “Tôi có bảo hiểm y tế (BHYT) do Nhà nước cấp nên giá dịch vụ tăng cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng lo cho mấy đứa con ở nhà, không có tiền mua BHYT cho chúng nó. Nhỡ phải đến viện thì chắc không kham nổi”. Hỏi ra mới biết, ông Tuấn là bộ đội đã về hưu nên được cấp thẻ BHTY chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, nhưng vợ và ba đứa con của ông chưa ai có vì gia đình không đủ điều kiện mua. Hiểu rõ được giá trị của “tấm bùa hộ mệnh” đấy nhưng để sở hữu được nó với gia đình ông Tuấn lại là cả một vấn đề.

Không được thẻ BHYT chi trả 100% như ông Tuấn, chị Nguyễn Thị Huệ (Nghĩa Hưng, Nam Định) vẫn phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh. Nghe đến việc tăng giá viện phí, chị nhẩm tính số tiền điều trị cho căn bệnh u đại tràng của chị cũng sẽ tăng lên đáng kể. Đáng lo ngại hơn, chồng và 2 đứa con của chị cũng sắp đến kỳ phải mua BHYT mới. Hai vợ chồng chị tính, năm nay không mua nữa vì bao nhiều tiền đã dồn hết cho chị chữa bệnh. Vậy nhưng, viện phí sắp tới lại tăng, anh chị lại lo hai đứa con ở nhà hay ốm vặt, thường xuyên phải đi viện. “Viện phí tăng, không có BHYT thì nguy, chắc tôi phải về vay thóc bán đi để mua bảo hiểm cho con” - chị Huệ ngậm ngùi chia sẻ. Không vay mượn được như chị Huệ, nhiều bệnh nhân khác không mua được thẻ bảo hiểm đều thất thần khi biết viện phí sắp tăng, nhất là những bệnh nhân đang nằm điều trị dài ngày mà chưa có thẻ BHYT. Xoay tiền mua bảo hiểm đang là nỗi lo lớn của nhiều bệnh nhân. Đó cũng là nỗi lo chung của 29% dân số chưa tham gia BHYT do gặp khó khăn trong chi trả viện phí từ lần tăng viện phí vài năm trước. Thực tế cho thấy, việc tăng viện phí thời gian tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những đối tượng có BHYT phải đồng chi trả 20%, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện kinh tế mua BHYT.

Lo chất lượng không tương xứng

Mua được BHYT đã là một chuyện, với những người đã có thẻ BHYT, điều họ băn khoăn là tăng viện phí có tăng chất lượng khám chữa bệnh. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, khi viện phí tính cả lương nhân viên y tế, các BV sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng, thay đổi thái độ phục vụ. Vì nếu không, BV sẽ rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn nghi ngại về điều này. Chị Nguyễn Thị Thắm (Thanh Trì, Hà Nội) có BHYT tại BV Đa khoa Thanh Trì nhưng hiếm khi chị đến khám chữa bệnh tại đây. Chị Thắm cho biết, chị mua BHYT để phòng thân những lúc bệnh nặng nếu điều phải điều trị ở tuyến trên, còn chẳng mấy khi khám tại BV này...

Không chỉ chị Thắm, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại BV K cơ sở 2 cũng lo ngại về chất lượng BV khi giá viện phí tăng. Anh Đặng Hữu Trường (Quốc Oai, Hà Nội) đang chăm sóc người nhà nằm viện tại đây cho biết, lần nào tăng viện phí cũng kèm theo “khẩu hiệu” tăng chất lượng khám chữa bệnh nhưng ở BV này cảnh 3 - 4 người nằm chen chúc trên 2 chiếc giường ghép là chuyện rất bình thường. “Không hiểu đến bao giờ chất lượng khám chữa bệnh mới thực sự tăng” - anh Trường băn khoăn. Thực tế tại nhiều BV, sự khác biệt giữa khám chữa bệnh tự nguyện và khám chữa bệnh bằng BHYT vẫn còn khoảng cách lớn.

Sau 2 năm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các BV đã có thêm nguồn thu để trang trải các chi phí phục vụ người bệnh. Từ việc đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại cho đến cải tiến quy trình khám chữa bệnh, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh nhưng có lẽ sự thay đổi vẫn chưa có nhiều “đột phá” để người dân có thể tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT. Nhiều người kỳ vọng, lần tăng viện phí này, chất lượng khám chữa bệnh sẽ thực sự được nâng lên tương xứng.

Học phí, viện phí sẽ tính theo giá dịch vụ
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (26/5/2015), Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư