Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Nỗi lo thực phẩm bẩn hoành hành dịp Tết
Dương Ngân - 17/01/2025 15:10
 
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại một lần nữa trở thành mối quan ngại lớn.
Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm dịp Tết
Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm dịp Tết

Nhiều vi phạm nghiêm trọng bị phanh phui

Mới đây, hàng loạt cơ sở sản xuất thực phẩm đã bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, khiến dư luận không khỏi hoang mang, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Tết đang đạt đỉnh điểm.

Một trong những vụ việc gây xôn xao là cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (Hà Nội). Cơ sở này bị tạm dừng hoạt động sau khi các đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cơ sở này hoạt động trong một khu bếp gia đình không đạt yêu cầu, thiếu phân khu chức năng riêng biệt và cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở chứa đầy rác thải ứ đọng, quần áo được phơi ngay trong khu vực chế biến thực phẩm. Dụng cụ sản xuất không được vệ sinh định kỳ, dẫn đến tình trạng bám bẩn. Đặc biệt, nhà vệ sinh lại nằm ngay cạnh khu vực sơ chế thực phẩm, trong khi khu sản xuất còn xuất hiện côn trùng và phân động vật.

Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ cơ sở Nguyên Ninh, một vụ vi phạm khác cũng khiến dư luận lo ngại là tại xưởng sản xuất bim bim của Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh. Các đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại đây, như không tuân thủ nguyên tắc một chiều trong quy trình sản xuất, khu vực sản xuất không phân khu chức năng riêng biệt và không đảm bảo tính khép kín. Các loại bim bim được đổ trực tiếp xuống sàn nhà bẩn thỉu, đầy vết dầu mỡ. Các công nhân làm việc tại đây không sử dụng găng tay khi đóng gói sản phẩm, khiến nguy cơ lây nhiễm và mất vệ sinh càng gia tăng. Tệ hơn, Đoàn kiểm tra phát hiện xác chuột chết đang bốc mùi hôi thối ngay trong khu vực sản xuất.

Các vụ vi phạm này càng trở nên nghiêm trọng khi Tết Nguyên đán đang đến gần, là dịp mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng vọt. Bánh kẹo, mứt, bim bim là những món ăn vặt không thể thiếu trong dịp Tết và đáng lo ngại là một bộ phận người tiêu dùng vẫn tiếp tục lựa chọn các sản phẩm từ những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh, vì lý do "rẻ", "tiện lợi" hay "ăn ít thì không sao".

Trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ một số cơ sở vi phạm. Một trong số đó là cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại xã Tựu Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nơi lực lượng chức năng phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Cùng với đó, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến gần 5.000 người mắc bệnh và 21 người tử vong.

Cảnh báo về hóa chất độc hại trong thực phẩm

Một vụ việc khác, càng làm gia tăng mối lo ngại về thực phẩm không an toàn là vụ các đối tượng tại Đắk Lắk sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ. Các đối tượng này sử dụng một loại chất lỏng không màu gọi là nước "kẹo" (6-Benzylaminopurine) để ngâm ủ giá đỗ, nhằm tăng trọng lượng và cải thiện hình thức của sản phẩm. Hóa chất này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, như làm thai nhẹ ký, gây dị tật bẩm sinh và thậm chí tử vong nếu ăn với lượng lớn.

Lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố các đối tượng liên quan và thu giữ 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất độc hại này.

Trước tình hình an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các làng nghề và các tỉnh có cửa khẩu lớn sẽ được kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn sản phẩm không đạt chất lượng, sản phẩm giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chọn lựa và bảo vệ sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịp Tết. Cục khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, tránh mua những sản phẩm không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bao bì bị hư hỏng. Đồng thời, nếu phát hiện cơ sở sản xuất hoặc bán lẻ vi phạm về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn nguy cơ gây hại.

Trong dịp Tết Nguyên đán, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm càng quan trọng, không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, mà còn của mỗi người tiêu dùng. Khi lựa chọn thực phẩm, chúng ta không chỉ lựa chọn món ăn cho gia đình, mà còn đang bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân.

Giám sát thực phẩm bằng kỹ thuật mới
Hoạt động kiểm tra, giám sát, xác định chính xác nguồn gốc thực phẩm thông qua kỹ thuật multiplex real-time PCR đang được thực hiện tại nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư