Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nới tín dụng bất động sản: Dung hòa “phanh - ga”
Thùy Liên - 27/08/2023 09:09
 
Trước phản ứng gay gắt của doanh nghiệp và trước nhiều sức ép, ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải hoãn thi hành một số quy định cấm cho vay trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN.
TIN LIÊN QUAN

Quy định này khiến doanh nghiệp bất động sản dễ thở hơn, song lại khiến cuộc chiến chống sở hữu chéo - cho vay sân sau và kiểm soát rủi ro của ngành ngân hàng thêm cam go.

Sau chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, NHNN vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10, Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2, Điều 1, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) với nguyên nhân là do bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng và kiểm soát rủi ro trong ngành ngân hàng luôn được ví như sự điều phối giữa chân phanh với chân ga. Chân phanh quá chặt sẽ kiềm chế tăng trưởng, song khi chân ga quá mạnh thì vẫn phải phanh để kiểm soát rủi ro. Tìm điểm cân bằng giữa “phanh - ga” để vừa tăng trưởng, vừa kiểm soát rủi ro luôn là bài toán khó với nhà điều hành. 

Điều này càng khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh tình trạng sở hữu chéo ở Việt Nam còn phức tạp, khó nhận diện.

Hiện nhiều cổ đông lớn đứng sau ngân hàng vẫn nhăm nhe tìm cách rót vốn vào công ty sân sau (phổ biến là bất động sản) dưới hình thức cho vay góp vốn mua cổ phần, cho vay thực hiện dự án, cho vay thanh toán hợp đồng hợp tác đầu tư… Bài học SCB - Vạn Thịnh Phát vẫn còn nóng hổi. Đây có lẽ chính là lý do mà tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cơ quan chức năng đã bổ sung một loạt quy định cấm cho vay. 

Thứ nhất, cấm tổ chức tín dụng cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPcom.

Thứ hai, cấm cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh nhằm thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Thứ ba, cấm cho vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ một số điều kiện cụ thể.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, cả ba quy định được cho là “biệt dược” chống cho vay sân sau nói trên đã bị tạm hoãn. Đây được coi là giải pháp tình thế trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần ưu tiên tăng trưởng như hiện nay. Song điều này cũng đồng nghĩa, việc kiểm soát “chân phanh” của NHNN sẽ gặp nhiều thách thức.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cho thấy, nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng vỡ nợ đều là cho vay không đúng chuẩn mực, cho vay nội bộ, cho vay thân hữu, cho vay bất động sản quá nhiều trong khi thiếu sự giám sát chặt chẽ.

Thực tế, nợ xấu bất động sản đang tăng lên khá nhanh. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhiều lần dẫn chứng bài học SCB và 3 ngân hàng phải mua lại bắt buộc để cho thấy, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt, thì chất lượng tín dụng xuống thấp, nợ xấu tăng cao. Trong bối cảnh cung ứng vốn cho toàn thị trường đang dựa vào hệ thống ngân hàng (kể cả vốn dài hạn như hiện nay), thì rủi ro của ngân hàng chính là rủi ro của toàn bộ nền kinh tế.

Tất nhiên, dù quy định có nới lỏng đến đâu, mỗi ngân hàng đều có những rủi ro riêng. Bản thân ngân hàng phải xác định được tiềm lực tài chính và khẩu vị rủi ro của mình khi cấp tín dụng cho những lĩnh vực rủi ro, dự án rủi ro. Tuy vậy, với những ngân hàng mà cổ đông lớn sở hữu chi phối, ngay cả khi nhận thấy rõ rủi ro thì cũng khó tránh cảnh “nhắm mắt” rót vốn vào công ty sân sau. Chính vì vậy, trong lúc chưa thể thi hành ngay các quy định cấm cho vay nêu trên, có lẽ, NHNN phải tìm cách khác hữu hiệu hơn để điều phối “chân phanh” hoặc tìm một “chân phanh” khác, từ đó hạn chế hoạt động tuồn vốn vào sân sau của một số ông chủ nhà băng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư